Triển khai Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. Chương trình đã đề ra 19 chỉ tiêu; 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng. Trong đó, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Bên canh đó là việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế; huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt trong vùng và kết nối với các vùng khác. Chương trình cũng đề cập việc tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong Vùng…
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương tham luận về chương trình, hành động của Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết 24. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch về việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.
Bộ Xây dựng có kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam Bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh vùng Đông Nam Bộ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp giải quyết các vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam Bộ...
UBND Thành phố Hồ Chí Minh có phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hành lang 3, 4 và các tuyến cao tốc. Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững...
Các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp tham luận về việc hợp tác đầu tư, đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ với hạ tầng quốc gia và khu vực; huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng trong hợp tác phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh trên địa bàn.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) gởi mở những giải pháp đột phá về chính sách, thể chế giúp vùng Đông Nam Bộ tăng tốc phát triển và trở thành khu vực có năng lực cạnh tranh quốc tế hàng đầu. Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) phát biểu đánh giá về môi trường, cơ hội đầu tư tại Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng, đồng thời có khuyến nghị chính sách phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đông Nam Bộ là nơi “hội tụ tiềm năng, thế mạnh”. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của các địa phương, vùng đạt nhiều kết quả nổi bật với 6 cái nhất trong phát triển kinh tế-xã hội. Đó là đóng góp GDP nhiều nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người cao nhất và tỷ lệ nghèo, chênh lệch giàu - nghèo thấp nhất; tỉ lệ đô thị hoá cao nhất; tổng thu ngân sách Nhà nước nhiều nhất; có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất; tuổi thọ trung bình người dân luôn đạt mức cao nhất.
“Những thành tựu của Đông Nam Bộ góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cả nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, vùng Đông Nam Bộ vẫn còn có tồn tại, hạn chế. Mặc dù Đông Nam Bộ có tiềm năng rất lớn, nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp; kết nối hạ tầng chiến lược chưa hiệu quả; huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa huy động hợp tác công tư, nguồn lực trong xã hội; đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm yêu cầu; phát triển văn hóa chưa theo kịp với chính trị, kinh tế, xã hội. Vùng Đông Nam Bộ gặp những thách thức cả nội tại và khách quan như: Phát triển chưa bền vững; tắc nghẽn giao thông; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phân hóa giàu nghèo; an sinh xã hội...
Nhắc lại các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phát triển Đông Nam Bộ, đóng góp vào phát triển chung của cả nước và quan điểm phát triển nhanh, hài hòa, bao chùm, tổng thể và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phân tích các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển vùng Đông Nam Bộ phải với phương châm “Tư duy đổi mới - Đột phá mới - Giá trị mới”.
Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ, “Tư duy mới” là phải phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của Vùng; dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Vùng phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; những vấn đề toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, vấn đề tác động toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân.
Theo Thủ tướng, thực hiện “Đột phá mới” là phải có cơ chế chính sách đột phá, trong đó có cách thức, phương thức mới huy động nguồn lực; huy động hợp tác công tư, với các hình thức “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”; hình hành trung tâm tài chính; xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của Vùng. “Việc này các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải bám sát thực tiễn, chỉ rõ những khó khăn, vướng, trên cơ sở đó phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm để xử lý”, Thủ tướng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, phải đưa giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, tăng năng xuất lao động trở thành phong trào, xu thế phát triển của Vùng. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phá triển nhanh, bền vững, lành mạnh; coi công việc của doanh nghiệp như việc của chính quyền hàng ngày. Theo đó phải cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trong đó có chăm lo nhà ở cho công nhân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công...
Về “Giá trị mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, đó là phải mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn; đóng góp vào ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn, sánh với khu vực và quốc tế; phấn đấu chỉ số phát triển con người cao hơn, ngang tầm với các nước phát triển; hạ tầng kết nối vùng, cả nước và quốc tế phải tốt nhất cả nước; khắc phục hậu quả về môi trường và suy thoái môi trường; khắc phục được những tồn tại, nhân dân bức xúc; Đông Nam Bộ phải đi đầu cả nước phát triển xanh, phát triển bao trùm, toàn diện... Sự phát triển của Vùng góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng tin tưởng, với “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”; với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp; các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; khẳng định tính đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, hiệu quả của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết 154 của Chính phủ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ công bố Thỏa thuận hợp tác và trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với các đối tác, nhà đầu tư, với tổng số 20 dự án, tổng số vốn hơn 10 tỷ USD và hơn 5.000 tỷ đồng; thuộc các lĩnh vực lọc hóa dầu, điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch...
Trong đó, có các dự án lớn như: Dự án Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 - Tổ hợp hóa dầu miền Nam” với tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD, dự án “Sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí” với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đối tác, doanh nghiệp “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải đạt hiệu quả”; thực hiện hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp với phương châm “lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ”.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh “Đột phá mới - Tầm cao mới”.
Triển lãm trưng bày 140 bức ảnh, giới thiệu vẻ đẹp hiện đại, năng động, sáng tạo của vùng đất và con người vùng Đông Nam Bộ; khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố trong Vùng, nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào Vùng Đông Nam Bộ.