Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Bojidar Lukarski, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bulgaria. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Bulagria có quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Việt Nam luôn trân trọng tình cảm, sự hỗ trợ của Bulgaria nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân của mỗi nước.
Thủ tướng đánh giá, trong những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại Việt Nam – Bulgaria tuy có phát triển song ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 102,5 triệu USD (tăng 28,2% so với năm 2014), lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 triệu USD/năm. Tính đến hết tháng 8/2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 96,7 triệu USD, tăng trên 88% so với năm 2015.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thúc đẩy giao dịch thương mại về hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư, khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Bulgaria kinh doanh lâu dài và triển khai các dự án hiệu quả tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bojidar Loukarsky cũng nhìn nhận, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Bulgaria chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ hai nước và đây là một trong những lý do ông có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Bộ trưởng Bojidar Loukarsky thông báo về kết quả cuộc hội đàm với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, cho biết hai bên đã tìm hiểu, đưa ra nhiều định hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bojidar Loukarsky tin tưởng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế; đồng thời mong muốn Bulgaria sẽ trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường châu Âu cũng như Việt Nam là cửa ngõ để Bulgaria vào thị trường Đông Nam Á.
Trước đó, ngày 17/10, Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam-Bulgaria" đã được tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Bojidar Loukarsky cùng nhiều doanh nghiệp của hai nước. Tại đây, hai bên đã tiếp xúc, trao đổi về nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Cũng trong chiều 18/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ngài Yoichi Kobayashi – Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Mekong – Nhật Bản, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng đoàn doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng hoan nghênh ngài Yoichi Kobayashi và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập cơ chế “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á". Thời gian qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực cùng quan tâm. Với việc Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sắp sang thăm Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, đây là minh chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu thuộc đoàn doanh nghiệp Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản do ông Yoichi Kobayashi, Phó Chủ tịch Tập đoàn Itochu làm trưởng đoàn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Thủ tướng đánh giá cao hợp tác của Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương của Việt Nam thời gian qua. Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (năm 2015 cao kỷ lục với 2,5 tỷ USD), và đứng thứ hai về đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án và tổng vốn 42 tỷ USD .
Cho rằng người dân Việt Nam có tình cảm tốt đẹp và tin tưởng người dân Nhật Bản, Thủ tướng đánh giá, đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng đề nghị ngài Kobayashi thông tin đến doanh nghiệp Nhật Bản, tận dụng mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, để đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện các chính sách mở cửa nền kinh tế, tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đổi tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản cũng là một thành viên.
Thủ tướng cho rằng, điều này mở ra một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước. Do vậy, những vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, bán lẻ, phân phối , nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng mà phía doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị, Chính phủ Việt Nam sẽ giao các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết, tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng của Việt Nam; triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản; thực hiện tốt sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 6 và các giai đoạn tiếp theo.