Đại học Huế là đại học được hình thành và phát triển sớm nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hiện phát triển lớn mạnh với 8 trường đại học thành viên, đào tạo đa ngành, lĩnh vực như sư phạm, khoa học, y dược, nông lâm, nghệ thuật, kinh tế, ngoại ngữ, luật. Đại học Huế đã trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mạnh, đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của khu vực và cả nước. Năm 2016, Đại học Huế được xếp hạng 350 các trường đại học hàng đầu châu Á và đứng thứ tư trong các trường đại học ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Huế. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Hiện Đại học Huế có gần 3.900 cán bộ, viên chức và lao động, trong đó có gần 250 Giáo sư, Phó Giáo sư. Các nghiên cứu khoa học của Đại học Huế đã tạo ra hàng trăm sản phẩm công nghệ, nhiều sản phẩm có tiềm năng thương mại như các giống cây con, chế phẩm sinh học, các hoạt chất sinh học phòng trừ bệnh dịch cho con người và vật nuôi; vật liệu mới, thiết bị và công nghệ thông minh…
Lắng nghe ý kiến của các thày, cô giáo, giảng viên nhà trường và ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến bề dày lịch sử rất đáng tự hào của Đại học Huế - trung tâm giáo dục đại học nằm ở vùng đất giàu truyền thống văn hóa, địa linh nhân kiệt của dân tộc. Thủ tướng đánh giá Đại học Huế là tinh hoa của miền Trung, của xứ Huế, là trung tâm đào tạo lớn của khu vực và cả nước với nhiều ngành đào tạo chuyên môn sâu, chất lượng tốt.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của Đại học Huế, Thủ tướng cho rằng, mặc dù số ngành đào tạo khá lớn, 119 ngành đào tạo đại học, 81 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 52 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, nhưng tỷ lệ sinh viên Đại học Huế ra trường và có việc làm chưa cao, nhất là ngành nông lâm, giáo dục thể chất.
Nói về hướng đi quan trọng là tự chủ đại học, Thủ tướng cho rằng đây là lối ra cho Đại học Việt Nam và cũng là điểm Đại học Huế cần đổi mới. Từ đó, Thủ tướng đề nghị Ban Giám hiệu Nhà trường nghiên cứu mô hình tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, giáo dục đại học nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động giảng dạy của đội ngũ giáo viên cũng như việc học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định không thể thành lập một Ban Quản lý các công trình dự án của các trường Đại học ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà “quản lý Nhà nước chỉ làm một số việc cần thiết, không phải trực tiếp làm tất cả mọi việc”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các trường “tự chủ, tự chủ hơn nữa, sáng tạo, sáng tạo hơn nữa”. Thủ tướng đề nghị Đại học Huế nghiên cứu cách thức nâng cấp cơ sở vật chất hiện còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có một đô thị đại học Huế cho xứng tầm.
Đề cập về phương hướng phát triển của Đại học Huế thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, coi đây là “ngọn đuốc” phải nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề cập đến Nghị quyết số 19 tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện đối với đơn vị công lập đảm bảo hiệu quả và đặt câu hỏi: “Chúng ta phải vận dụng mô hình một cách phù hợp ở tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tại Đại học Huế, chứ không phải tư tưởng bao cấp như trước đây. Cái gì Nhà nước phải làm, cái gì Nhà nước phải đặt hàng, cái gì chúng ta phải tự chủ trang trải, chúng ta đặt bao nhiêu đơn đơn vị sự nghiệp trong Đại học Huế là phù hợp trong xu hướng mới?”
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã nêu một số định hướng lớn đối với Đại học Huế và giáo dục đại học nói chung. Trong đó, Đại học Huế phải quan tâm đồng thời giữa tri thức khoa học, phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm và phải gắn với thực tiễn, giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm trưởng thành về tâm lý, trí tuệ và năng lực hành động. Cùng với đó là phải thực sự đào tạo theo nhu cầu xã hội, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu, hướng tới các chuẩn mực quốc tế; khắc phục nhược điểm để sinh viên không chỉ tự tìm việc mà tạo lập khởi nghiệp.
Phân tích thêm về tầm quan trọng của công tác quản trị Đại học, Thủ tướng nêu rõ xu hướng chuyển đổi từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát và tự chủ trong cơ sở giáo dục và nhấn mạnh “tự chủ đại học phải được mở rộng hơn và thực chất hơn, đó là xu thế quản trị đại học của thế giới”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Đại học Huế không được tự hài lòng, không chủ quan những gì tự đạt được, mà phải tích cực, chủ động hơn với tư cách là Đại học lớn, quy mô, tự đổi mới để phát triển.
“Chúng ta nói một xứ văn hóa truyền thống là quý, nhưng mà nó chỉ mãi là truyền thống chúng ta không chịu đổi mới phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong xu hướng mới.
Để phát huy hơn nữa tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm, Thủ tướng đề nghị các trường thành viên của Đại học Huế phải mạnh dạn đứng ra tự chủ về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, chủ động về tài chính, về cơ chế, nhân sự và mọi mặt trong hoạt động. “Huế phải là Trung tâm đổi mới, Đại học Huế phải là trung tâm đổi mới trong sự phát triển giáo dục Đại học”. Song song với tự chủ là tự chịu trách nhiệm. “Các sản phẩm của Đại học Huế phải được đo lường thường xuyên, công khai và được trong nước, quốc tế chấp nhận”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
* Trước đó, sáng cùng ngày, nhân dịp đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và trồng cây lưu niệm tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Được thành lập với tổng diện tích 22.031 ha trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích 37.487ha. Qua điều tra nghiên cứu đã ghi nhận được 1.715 loài (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước) thuộc 52 bộ, 258 họ, 1080 giống tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Trong số này, có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam cần phải có giải pháp ưu tiên bảo tồn như: Voọc vá chân nâu, Sói lửa, Cầy mực, Báo hoa mai, Sao la…Vườn Quốc gia Bạch Mã còn được biết đến với sự đa dạng về hệ nấm và thực vật với 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước), trong đó, theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), Vườn có 73 loài cần phải được bảo vệ.