* Dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Sơn La) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019; có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 53 km và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 31,6 km.
Quá trình triển khai Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc và trên cơ sở kiến nghị của địa phương, ngày 14/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 465/QĐ-TTg về việc dừng triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã kiểm tra điểm đầu của tuyến cao tốc tại phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình và điểm cuối của tuyến tại xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Sau khi nghe lãnh đạo hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La và các bộ, ngành liên quan báo cáo tình hình triển khai tuyến cao tốc và trực tiếp chất vấn một số vấn đề liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí chuyển hình thức đầu tư tuyến đường từ PPP sang đầu tư công, với sự chung tay của cả Trung ương và địa phương; giao hai địa phương làm chủ đầu tư dự án.
Thủ tướng yêu cầu, hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành liên quan, nhất là các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục. Thủ tướng chỉ đạo trước mắt, thúc đẩy công tác thiết kế, sắp xếp nguồn vốn; trong đó, việc xây dựng tuyến cao tốc phải đảm bảo ngắn nhất, thẳng nhất, ít ảnh hưởng nhất, chất lượng nhất, chi phí thấp nhất; vừa đảm bảo về giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, vừa mở ra không gian phát triển mới và đảm bảo cảnh quan, phát triển du lịch...
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, kết nối các tuyến cao tốc trong khu vực và cả nước, sẽ tạo thành mạng lưới cao tốc kết nối liên thông giữa các vùng, miền, các đầu mối giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cả nước. Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành khẩn trương thực hiện ngay các công việc, trên tinh thần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nhanh chóng triển khai dự án.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đi khảo sát Cảng Hàng không Nà Sản, cạnh quốc lộ 6 thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 20km về phía Nam.
Đây là sân bay được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950. Đến đầu thập niên 1960, sân bay khôi phục hoạt động nhưng sau một thời gian đã dừng khai thác do hành khách ít. Sân bay được đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 1/2015; được Thủ tướng Chính phủ xác định trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018.
Sân bay Nà Sản được quy hoạch với quy mô Cảng Hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, là loại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích quy hoạch 498,67 ha.
UBND tỉnh Sơn La cho biết, khu vực thực hiện Dự án sân bay Nà Sản đã cắm mốc giới theo quy hoạch chi tiết được duyệt, cập nhật vào nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.
Sau khi thị sát, nghe báo cáo về các vấn đề liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông. Vừa qua, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 11-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc, trong đó có Tây Bắc và một trong những ưu tiên là phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.
Hiện nay, vùng Tây Bắc đang được đầu tư phát triển mạnh mạng lưới giao thông đường bộ, góp phần quan trọng kết nối mạng lưới giao thông toàn quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Việc khôi phục, khai thác Sân bay Nà Sản theo hướng là sân bay lưỡng dụng là hết sức cần thiết, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và tỉnh Sơn La phối hợp, nghiên cứu, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư; huy động các nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công tư; trình cấp có thẩm quyền quyết định.
* Trước đó, sáng 28/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 và thăm mô hình du lịch cộng đồng.
Theo Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 25/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu sẽ được xây dựng và phát triển trở thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng. Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu trên địa bàn hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên 206.150 ha.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Sơn La có giải pháp huy động các nguồn lực vào phát triển Khu Du lịch này, nhất là theo hình thức công tư. Trong đó, Nhà nước đảm bảo xây dựng hạ tầng, vì khi có hạ tầng sẽ mở ra không gian phát triển, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư.
Thủ tướng đã dành thời gian thăm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ do một hộ dân người dân tộc H’Mông thực hiện.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng với phát triển các khu du lịch hiện đại, cần phát triển các khu du lịch cộng đồng, qua đó vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Thủ tướng lưu ý người dân phát triển du lịch cộng đồng cần quan tâm bảo vệ môi trường, cảnh quan, đảm bảo an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quảng bá, phục vụ phát triển du lịch.