Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao văn bản chấp thuận cho Tập đoàn điện lực EDF của Pháp đầu tư vào dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ, chiều 27/3. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Sáng 27/3, trong khuôn khổ cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Hiệp hội các doanh nghiệp Pháp (MEDEF) tại thủ đô Paris, và được sự ủy quyền của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp tục chủ trì cuộc Trao đổi giữa lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy cơ hội hợp tác, kinh doanh, trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Tham gia cuộc trao đổi có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Xây dựng… cùng đại diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu của Pháp như tập đoàn hàng không vũ trụ Airbus, tập đoàn điện lực EDF, tập đoàn xây dựng cơ sở hạ tầng VINCI, các tập đoàn năng lượng và dầu khí Total, Air Liquide, công ty môi trường SUEZ, tập đoàn săm lốp Michelin…
Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hợp tác kinh tế và kết nối doanh nghiệp giữa hai nước đã có nhiều bước phát triển tích cực và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Cuộc trao đổi đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, đem lại các thông tin thiết thực, bổ ích cho hai bên.
Phát biểu tại cuộc trao đổi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Pháp là rất lớn, các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường kết nối hợp tác và kinh doanh trên cơ sở phát huy thế mạnh của mình cũng như phục vụ tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay của hai nước.
Lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin về các chính sách và định hướng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng, nhất là năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa dầu, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải, các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển giao thông đô thị và giao thông vận tải nói chung, việc phát triển các dự án theo hình thức đầu tư công tư kết hợp (PPP) hay xây dựng vận hành chuyển giao (BOT)...
Các doanh nghiệp Pháp hoan nghênh những thành tựu kinh tế và hội nhập của Việt Nam cũng như các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện chính phủ kiến tạo, thúc đẩy phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Pháp cũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các phát biểu, trao đổi của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam, bầy tỏ tin tưởng và mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa, tham gia ngày càng hiệu quả vào các dự án phát triển và đầu tư tại Việt Nam, để tạo ra những lực đẩy mới cho hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Pháp.