Người dân Ứng Hòa phấn khởi với sự thay đổi tích cực mỗi ngày trên quê hương cách mạng. Sự phấn khởi ấy và niềm tin có được, một phần không nhỏ là nhờ sự thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm và tìm biện pháp sửa chữa, khắc phục của các đảng viên, của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức đảng.
Linh động, giải quyết nhiều vấn đề "nóng" Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã thẳng thắn chỉ rõ ba biểu hiện suy thoái với các cá nhân cụ thể, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục. |
Năm 2012, khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI bắt đầu được triển khai, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đang có những vấn đề nổi cộm, liên quan đến các lĩnh vực dân sinh xã hội.
Trong đó, tình trạng tụ tập đông người tại Điện Hoàng Thiên Long ở xã Hồng Quang để chữa bệnh trái phép, có tính chất mê tín dị đoan khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Điện Hoàng Thiên Long chưa được cấp phép, những người ở đây dùng nước lã để chữa bệnh.
Đây là phương pháp chữa bệnh thiếu khoa học, mang tính mê tín dị đoan nhưng lại thu hút sự chú ý của rất nhiều người có bản tính tò mò, hiếu kỳ nhất là các bệnh nhân lâu năm, dẫn đến tình trạng tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.
Trước tình trạng trên, cuối năm 2012, huyện đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền trong nhân dân để ngăn chặn. Tuy nhiên, do những người đến Điện Hoàng Thiên Long chữa bệnh phần lớn đều là người từ các tỉnh, thành khác trên cả nước nên thông tin tuyên truyền không thể tiếp cận, phương pháp ngăn chặn không có hiệu quả.
Trước khó khăn này, huyện Ứng Hòa đã chủ động đề xuất với thành phố để cử người về địa phương giúp đỡ. Từ đó, lực lượng Công an thành phố đã phối hợp với Công an huyện siết chặt các quy định về an ninh trật tự.
Ban Thường vụ Huyện ủy phối hợp Ban Chỉ đạo tôn giáo huyện tiến hành tuyên truyền sâu. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt mà khéo léo này, đến năm 2015, tình trạng trên đã chấm dứt, không còn người tìm đến xã Hồng Quang với mong muốn chữa bệnh bằng nước lã.
Cũng tại thời điểm năm 2012, sự tồn tại của 58 lò nung đốt gạch thủ công trên địa bàn huyện Ứng Hòa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhưng để dẹp bỏ hết sức khó khăn, bởi động đến lợi ích, kế sinh nhai của nhiều lao động, khi triển khai gặp rất nhiều phản ứng thiếu đồng thuận.
Triều Khúc là một trong những thôn phát triển về kinh tế mạnh mẽ nhất ở Đội Bình, có đến 95% số nhà là nhà tầng khang trang. |
Huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, toàn hệ thống chính trị cơ sở đã thực hiện tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, triển khai kết hợp nhiều biện pháp sâu rộng, đến nay toàn bộ các lò gạch thủ công đã cơ bản được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh doanh buôn bán cũng có những khó khăn nhất định khi các tiểu thương chợ Cầu không chuyển về chợ trung tâm huyện theo chỉ đạo của thành phố.
Huyện tiến hành rà soát, phân loại và xác định chợ Cầu đủ điều kiện để hoạt động như một chợ hạng 3 nên đã xin ý kiến thành phố tiếp tục cho chợ hoạt động và đầu tư xây dựng, lắp hệ thống phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn.
Trên thực tế, ngoài Ban Quản lý đô thị xây dựng huyện, các Phòng Kinh tế, Tài nguyên - Môi trường, Quản lý đô thị, Giáo dục - Đào tạo đều có Ban Quản lý dự án, Ứng Hòa đã chủ động sáp nhập các ban này thành một ban quản lý chung duy nhất gọi là Ban Quản lý đầu tư xây dựng của huyện để việc quản lý được tối giản, tập trung.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần nhân dân luôn được đảm bảo. Sự hiện diện thường xuyên tại cơ sở của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo huyện đã củng cố niềm tin, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với đảng bộ và chính quyền.
Không né tránh Trong mỗi tổ chức đảng, tinh thần soi để sửa, nhận diện và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của mỗi đảng viên là yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Khi đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đã thẳng thắn chỉ rõ ba biểu hiện suy thoái với các cá nhân cụ thể, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục.
Năm 2016, nhận thấy trình độ cán bộ huyện còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xin chủ trương của Thường trực Thành ủy mở lớp đại học cho 85 cán bộ đương chức và dự nguồn thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, có hỗ trợ 50% học phí cho các học viên.
Tuy nhiên, trong quá trình học, 8 cán bộ đã bỏ học hoặc tự ý chuyển sang lớp khác. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm khắc, yêu cầu 8 cán bộ này trả lại tiền hỗ trợ học phí.
Đặc biệt, đối với những cán bộ không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, là những “con sâu làm rầu nồi canh”, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa đều có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc để làm gương.
Trước hết là tạo cơ hội cho các cá nhân vi phạm tự tìm cách khắc phục, nếu không thể khắc phục khuyết điểm, huyện sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật ở mức cao hơn.
Theo đó, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Viên An và nguyên Chủ tịch UBND xã Đội Bình, những người có vi phạm trong quản lý đất đai đã bị cho thôi cấp ủy và khai trừ Đảng.
Hay như nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Lưu Hoàng phải chịu kỷ luật khiển trách và đang bị xem xét với mức độ kỷ luật cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Xuyên, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. |
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Văn Xuyên cho biết, trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Từ việc nhận diện khuyết điểm và sửa chữa, trong đợt kiểm điểm cuối năm vừa qua, nhiều cán bộ, đảng viên không còn e dè, đã mạnh dạn lên tiếng đấu tranh, phê bình cái xấu và phát hiện, biểu dương cái tốt.
Cách xử lý khuyết điểm của Đảng bộ huyện Ứng Hòa đặc biệt ở sự thẳng thắn, không né tránh nhưng rất nhân văn. Dù quá trình kiểm điểm nghiêm cẩn, cứng rắn nhưng tinh thần tự phê bình luôn được đề cao.
Ngoài cách khắc phục về vật chất, các cá nhân sai phạm đều được tạo điều kiện sửa chữa khuyết điểm trước khi phải nhận hình thức xử phạt nặng hơn.
Chính bởi sự đấu tranh với những sơ hở và sai phạm một cách khéo léo như vậy, uy tín của đảng bộ không bị ảnh hưởng, ngược lại còn được nâng cao, khơi dậy niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.
Suy cho cùng, đích đến, nội hàm của tất cả các Nghị quyết, quy định, chính sách, văn bản… vẫn là mang lại một cuộc sống phồn vinh, thịnh vượng cho người dân.
Những bài học lý luận có hiệu quả hay không, có khả năng hiện hữu trong cuộc sống hay không, tất cả thể hiện ở mức độ hài lòng và hạnh phúc của mỗi người dân.
Bài cuối: “Tự soi, tự sửa” - Quyết liệt từ người đứng đầu