Tại phiên thảo luận, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018 trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh giải pháp tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi… và công an các địa phương được giao nhiệm vụ, cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao. Bộ dự kiến điều động cán bộ, giáo viên các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ. Đặc biệt, để khắc phục lỗ hổng hệ thống của năm 2018, Bộ đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Nhấn mạnh những giải pháp trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã họp bàn cùng với các doanh nghiệp có biện pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh. Bộ Tài chính cùng với các ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi phù hợp với điều kiện hiện nay; giải pháp trung hạn, dài hạn, phối hợp với quốc tế tập trung vào các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học trong công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, những tháng đầu năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo tiền đề quan trọng cho các năm tiếp theo.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.
Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai.
Các cơ quan tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi Trung học Phổ thông và Đại học năm 2019; triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Các địa phương xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy, các vấn đề về bảo vệ môi trường; có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, các ý kiến bày tỏ sự tán thành đối với quan điểm, nội dung của dự thảo Luật, đã thể hiện rất rõ chủ trương hành động của Chính phủ đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Qua đó, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tuy nhiên, một số ý kiến phân tích, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định điều kiện đăng ký cấp giấy thành lập và hoạt động doanh nghiệp, mà chỉ đưa ra điều kiện để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.
Liên quan đến dự án Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung sửa đổi của dự thảo Luật đã phù hợp với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi cần cụ thể hơn để không dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó cho cơ quan hải quan trong việc thực hiện quy định tạm dừng làm thủ tục đối với những lô hàng bị nghi ngờ liên quan đến sở hữu trí tuệ và tránh nhầm lẫn những hàng hóa thuộc diện phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến phạm vi và đối tượng điều chỉnh của hai bộ luật rất quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội và có tính chuyên môn sâu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thẩm tra, dự thảo Luật đã được trình lên Quốc hội thảo luận và được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này, Bộ Công Thương đã nhanh chóng tiếp thu nghiêm túc.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ, cũng như ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay; đồng thời khẳng định các ý kiến là cơ sở hữu ích giúp Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng đáp ứng được yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, về cơ bản, những nội dung liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều đã được chuẩn bị trước để đảm bảo sự tương thích, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà sắp tới Việt Nam sẽ ký kết. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát cẩn trọng ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật khi áp dụng trong thực tiễn.