Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, một lần nữa lại là vấn đề được các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường sáng nay 26/10.
Đánh giá của các Đại biểu, vừa qua Chính phủ triển khai Nghị quyết về tinh giản biên chế của Quốc hội khá quyết liệt, đã đạt được những kết quả nhất định: Giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Đặc biệt, giảm 86.300 biên chế, trong đó có 12.400 biên chế công chức.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), đây là kết quả đáng ghi nhận. Cử tri và nhân dân rất ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh giản bộ máy, tinh gọn biên chế, bớt các tổ chức trung gian. Tuy nhiên việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy diễn ra còn chậm.
“Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa chú trọng tới cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định, quyết tâm đã lên cao, hành động đã quyết liệt từ trung ương tới địa phương, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai và đây là lĩnh vực vừa phức tạp vừa nhạy cảm.
“Song đã đến lúc chúng ta cũng phải nhận thức rõ ngân sách nhà nước – tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách Nhà nước”, đại biểu Tạ Văn Hạ khẳng định.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cũng cho rằng, chi thường xuyên còn lớn do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối chiếu các Nghị quyết của Quốc hội, Trung ương, ông Thăng cho rằng tinh giản biên chế sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu; số đơn vị tự chủ tài chính mới chiếm 0,2%. Tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, Hội đồng nhân dân các tỉnh, địa phương còn nhiều đầu mối, tầng nấc, sắp xếp bộ máy ở một số bộ ngành còn chậm. Việc giảm số lượng cấp phó, giảm đầu mối bên trong các đơn vị, giảm biên chế người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước... còn bất cập.
Vị vậy, ông Thăng đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản làm cơ sở pháp lý cho lộ trình tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh ở cơ quan Đảng, Nhà nước có tính tương đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hoá đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, mà trước hết là ngành y tế, giáo dục, các cơ sở dạy nghề; xây dựng tiêu chí, định mức của dịch vụ công…
Theo các đại biểu, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là chủ trương, chính sách đúng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhằm khắc phục những hạn chế của bộ máy. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể thiếu cơ sở pháp lý nên việc tổ chức thực hiện thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau.
Việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy còn mang tính cơ học, như sáp nhập cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước; việc sáp nhập các phòng ban, sở ngành, một số tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật. Do vậy, đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo để thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo các đại biểu, thời gian qua tinh giản công chức thì tương đối thuận lợi, nhưng giảm biên chế viên chức, sự nghiệp, nhất là viên chức giáo dục thì cần lộ trình và cân nhắc kỹ.
Thống kê chưa đầy đủ, vừa qua, ở 43 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã thiếu, thừa cục bộ giáo viên khoảng 76.000 người. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44.000 người. Hiện chỉ có 2 tỉnh, thành phố trên cả nước có đủ giáo viên. Câu chuyện sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế là cần thiết để giảm gánh nặng ngân sách, nhưng cần phải được tính toán kỹ càng. Không thể gộp các điểm trường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa để các cháu phải đi học quá xa nhà. Không thể để tình trạng nhồi nhét 50-60 học sinh một lớp ở các thành phố, thị xã.