Tình hình COVID-19 ngày 24/5: Cả nước thêm 2 bệnh nhân tử vong; Hà Nội đóng cửa nhà hàng, quán cắt tóc gội đầu

Ngày 24/5, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với 2 bệnh nhân tử vong, trong đó có một nữ công nhân tuổi. Cả nước có 187 ca lây nhiễm mới, trong đó Hà Nội tiếp tục phát hiện các ca bệnh liên quan BN5243. Trong đêm 24/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra công điện khẩn đóng cửa nhà hàng, nơi ăn uống, điểm cắt tóc, gội đầu.

Ghi nhận 2 ca tử vong của bệnh nhân COVID-19

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BYT

Trong ngày 24/5, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca tử vong là bệnh nhân COVID-19.

Trong 2 ca tử vong, ca tử vong số 44 là BN4807, tuổi, nữ công nhân khu công nghiệp. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, rát họng, mệt mỏi; được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang) ngày 17/5/2021. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp. Tối 22/5, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng: Ho, tức ngực, khó thở, đau rát họng, phổi thông khí giảm hai bên. Chẩn đoán khi vào viện: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp. Bệnh nhân được xử trí thở oxy mặt nạ, điều trị kháng sinh, kháng viêm. Khoảng 12 giờ ngày 23/5, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, tức ngực khó thở nhiều, chụp XQuang cho thấy phổi tổn thương lan tỏa hai bên, được cấp cứu thở ô xy dòng cao HFNC. Đến 22 giờ cùng ngày, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục hồi sức. Nhưng tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn, ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngừng tuần hoàn không có kết quả. Bệnh nhân tử vong lúc 4 giờ 30 phút ngày 24/5. Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.

Trước đó, đầu giờ sáng 24/5, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo về ca tử vong số 43 là BN3015, nam, 50 tuổi, có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt cao, rét run, da mắt vàng, bụng chướng, rối loạn tiêu hoá. Bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấy máu dương tính với vi khuẩn O. Anthropi, đa kháng kháng sinh, được điều trị theo kháng sinh đồ 5 ngày không đỡ. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 25/4 với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết/xơ gan cổ trướng. Ngày 5/5 bệnh nhân được làm xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, truyền máu, lợi tiểu, lợi mật, nhuận tràng nhưng tình trạng bệnh nhân tiến triển xấu dần, đi vào sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết tiêu hoá, cổ chướng ngày càng tăng và suy đa tạng. Ngày 21/5 bệnh nhân được hội đồng chuyên môn quốc gia hội chẩn kết luận: Tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nhiều bệnh nền nặng, tiên lượng tử vong cao. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị hồi sức tích cực chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, truyền máu, phối hợp kháng sinh phổ rộng, kháng nấm, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân vẫn sốt cao liên tục, tình trạng sốc trơ không đáp ứng với các biện pháp điều trị. Đêm 23/5, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hoá, nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân xơ gan cổ trướng.

Việt Nam thêm 187 ca lây nhiễm COVID-19

Ngày 25/5, cả nước có thêm 187 ca mắc mới COVID-19, trong đó số ca lây nhiễm cộng đồng là 184 (cụ thể: 18 giờ có thêm 96 ca, trong đó 95 ca cộng đồng; 12 giờ trưa có thêm 33 ca lây nhiễm của các địa phương; 6 giờ sáng ghi nhận thêm 58 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 56 ca cộng đồng).

Chú thích ảnh
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, trong ngày 24/5, tại Hà Nội liên tục ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan tới BN5243. Đầu giờ sáng, ghi nhận 4 ca liên quan bệnh nhân Đ.B.L (BN 5243); chiều có thêm 7 ca, cuối giờ chiều thêm 3 ca.

Như vậy, tính trong ngày 24/5 Hà Nội đã có 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan đến bệnh nhân Đ.B.L (BN5243). Hiện chùm ca bệnh tại Times City đã có tất cả 18 bệnh nhân.

Cũng liên quan đến chùm ca bệnh này, ngày 24/5/2021, Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thuộc hai phố Nguyễn Khắc Cần và Phạm Sư Mạnh và những người làm việc tại toà nhà Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group) ở số 2A Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19.

Từ 12 giờ ngày 25/5: Hà Nội tạm dừng hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu

Chú thích ảnh
Ngay khi xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra công điện khẩn trong đêm 24/5, dừng hoạt động nhiều hoạt động kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Trước việc xuất hiện nhiều ca dương tính COVID-19 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ra công điện khẩn trong đêm 24/5, yêu cầu các đơn vị toàn TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, từng cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến.

Cụ thể, từ 12 giờ ngày 25/5/2021, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Phát hiện các mẫu virus SARS-CoV-2 thuộc biến chủng Ấn Độ tại Đà Nẵng và Điện Biên

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả giải trình tự gene các mẫu sáng 24/5 do các tỉnh gửi về có 6 mẫu biến thể B.1.617.2 thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ, 31 mẫu biến thể B.1.1.7 thuộc biến chủng của Anh.

Cụ thể, 6 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2 thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ có trong các mẫu của Đà Nẵng (2 mẫu) và Điện Biên (4 mẫu).

Đà Nẵng cũng có 30 mẫu thuộc chủng B.1.1.7 là chủng lần đầu phát hiện ở Anh.

Mẫu bệnh phẩm gửi lên từ Bệnh viện Đa khoa quốc tế (Hải Phòng) thuộc chủng B.1.1.7 là chủng lần đầu phát hiện ở Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu xây dựng Quỹ vaccine ngừa COVID-19

Chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, nhất là tại một số khu công nghiệp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, dịch COVID-19 tiếp tục khó lường, khó kiểm soát, nhất là diễn biến dịch tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực cao hơn để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.

 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện một số công việc như: khẩn trương sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về những việc đã làm được, những khó khăn cần tháo gỡ; bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện thành công 2 mục tiêu “vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine ngừa COVID-19 gồm: nhanh chóng tiếp cận các nguồn để mua vaccine; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine; có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp theo từng giai đoạn, đối tượng ưu tiên; chi tiêu hợp lý để dành ngân sách phù hợp cho chiến lược vaccine; nghiên cứu xây dựng quỹ vaccine để huy động các nguồn xã hội hóa cho chiến lược vaccine, trong đó phải công khai, minh bạch, khách quan cả hình thức, quyên góp, ủng hộ và sử dụng quỹ này.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ ngành tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cả nước giúp đỡ Bắc Ninh, Bắc Giang vượt khó chống dịch

Ngày 24/5, tại lễ trao tặng quà hỗ trợ cho 2 điểm nóng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân cả nước thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, chia sẻ với hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh chống dịch COVID-19. Ảnh: BYT

Ngày 24/5, tại 2 điểm nóng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang, Bộ Y tế và các nhà tài trợ đã trao nhiều suất quà hỗ trợ cho hai tỉnh phòng chống dịch. Tại lễ trao tặng quà hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: "Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đang cách ly hơn 70.000 người; Bắc Giang cũng đang phải dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố và nhiều người dân khác cũng đang phải sinh sống trong vùng cách ly, phong toả. Trên tinh thần tương thân tương ái, Bộ Y tế xin chia sẻ với những khó khăn, vất vả của nhân dân và người lao động đang sinh sống trong vùng cách ly, phong toả của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, các tập đoàn và người dân trong cả nước thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ hướng về tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để cùng hỗ trợ, chia sẻ với hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch này, giúp hai tỉnh đối phó với dịch một cách hiệu quả. Những sự hỗ trợ này thể hiện rõ nét tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam.

"Các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch tốt sẽ góp phần vào công cuộc chống dịch của cả nước. Do đó, chúng tôi cũng mong các địa phương trong cả nước hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang để có những hỗ trợ hết sức thiết thực đến nhân dân và người lao động trên địa bàn 2 tỉnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thành lập Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K

Bộ Y tế vừa có Quyết định thành lập Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K, gồm các chuyên gia đầu ngành để chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện.

Chú thích ảnh
Bệnh viện K những ngày cách ly phòng dịch COVID-19. Ảnh: BV

Ngày 24/5, Bộ Y tế có Quyết định số 25/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K. Tổ công tác gồm các chuyên gia đầu ngành, do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 làm tổ trưởng. Tổ phó thường trực là TS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế); Tổ phó BSCKII. Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội. PGS.TS Trần Đắc Phu, Chuyên gia cố vấn cao cấp, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, là chuyên gia của tổ.

Bộ Y tế cũng cử đại diện các đơn vị tham gia như: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Môi trường Y tế; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai; đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương; Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, Trường Đại học Y Hà Nội; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương...

Tổ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K làm nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, điều hành công tác phòng bệnh, giám sát dịch tễ, xử lý môi trường phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K (cả 3 cơ sở); tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch; khoanh vùng kiểm soát; lập danh sách, thực hiện cách ly; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh đã xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;

Đồng thời, Tổ sẽ giám sát triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn; xử lý môi trường tại Bệnh viện K.

Bộ Y tế yêu cầu định kỳ hàng ngày hoặc đột xuất Tổ có báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.

Từ 25/5: Người dân các tỉnh về Hà Nội phải khai báo y tế trong vòng 24 giờ

Chiều 24/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 113 với các quận, huyện.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu người dân trở về Hà Nội (từ bất kỳ địa phương nào) trong khoảng thời gian từ 10/5 đến 24/5 phải khai báo y tế online trước ngày 25/5. Sau ngày 25/5, tất cả người dân về TP phải khai báo y tế trong 24 giờ.

Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội yêu cầu lực lượng y tế phải tăng tần suất xét nghiệm đối với các trường hợp F1 từ 4 lần theo quy định lên 6 lần (xét nghiệm vào các ngày: ngày thứ nhất, ngày thứ 4, ngày thứ 7, ngày thứ 14, ngày thứ 20 trong khu cách ly tập trung và lần thứ 6 sau khi kết thúc cách ly tập trung 1 tuần - ngày thứ 28).

PV/Báo Tin tức
Hà Nội xây dựng phương án phòng dịch COVID-19 trong thi cử
Hà Nội xây dựng phương án phòng dịch COVID-19 trong thi cử

Ngày 24/5, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 312/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2021 và là Trưởng Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm 2021-2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN