Tại buổi làm việc, Tổ công tác đã đánh giá tổng hợp tình hình kết quả, khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của 5 tỉnh về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính công.
Cụ thể, 5/5 tỉnh đã kết nối, liên thông, gửi nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia; 2 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk đã áp dụng chữ ký số cá nhân của lãnh đạo tỉnh trong gửi, nhận văn bản điện tử; tất cả các tỉnh đã triển khai kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành tích hợp đăng nhập 1 lần, đồng bộ trạng thái và kết quả xử lý hồ sơ. Lâm Đồng và Kon Tum là 2 tỉnh triển khai tốt việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Các địa phương đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo và ban hành các quyết định quy định chế độ báo cáo…
Theo Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019), chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính của khu vực Tây Nguyên đứng thứ 5/6 khu vực, chỉ có Đắk Lắk nằm trong top 10 cả nước. Gia Lai đứng thứ 63/63 do không kịp cập nhật, công khai các quy định thủ tục hành chính…
Tổ công tác cũng đã chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như: Trong triển khai Chính phủ điện tử, một số cơ quan đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt; các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai triệt để. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin của các tỉnh đầu tư đã lâu và xuống cấp, hư hỏng; nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu là ngân sách địa phương, chưa thu hút được các nguồn vốn khác.
Trong triển khai cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa liên thông: Theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP thì các bộ, ngành Trung ương phải có trách nhiệm phê duyệt danh mục thủ tục hành chính liên thông thực hiện trong toàn quốc nhưng hiện nay, các bộ vẫn chưa phê duyệt danh mục này dẫn đến khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính liên thông…
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã nêu một số kiến nghị, đề xuất trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tỉnh đã triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Có những việc tỉnh chủ động triển khai trước cả nước nên đã đầu tư hệ thống thiết bị khá đầy đủ, đồng bộ. Bởi vậy hiện tại, tỉnh Lâm Đồng không kiến nghị Trung ương đầu tư trang thiết bị mà chỉ cần được học hỏi phương thức thực hiện từ Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, đây là tiền đề để xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh; đề nghị xây dựng mô hình chung, đồng bộ cho các tỉnh để Chính phủ thuận lợi khi tích hợp thông tin.
Đại diện tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Văn phòng Chính phủ tổ chức đánh giá lại giai đoạn thực hiện từ trước đến nay; nên có quy định bắt buộc đối với người dân khi tham gia các dịch vụ hành chính công chứ không triển khai theo hình thức tự nguyện như hiện nay.
Đại diện tỉnh Đắk Nông đề nghị, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ tới hỗ trợ theo phương thức cầm tay chỉ việc để triển khai thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử.
Đại diện tỉnh Gia Lai đề nghị, Chính phủ có quan điểm chỉ đạo mạnh mẽ về xây dựng cơ sở dữ liệu, làm tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử…
Qua các ý kiến của đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh, không cầu toàn các nội dung cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể thống nhất 5 tỉnh đến ngày 30/11/2020 phải hoàn thành thực hiện chữ ký số cá nhân của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến cơ sở; thực hiện kết nối trục liên thông quốc gia và đến ngày 30/11/2020 phải có báo cáo. Các tỉnh rà soát lại danh mục dịch vụ công đã thực hiện và báo cáo trước ngày 31/12/2020, đồng thời triển khai đạt được 30% dịch vụ công trực tuyến trên tổng số dịch vụ công đang thực hiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, các tỉnh tiếp cận nội dung công việc theo hướng cải cách hành chính là chủ đạo, công nghệ thông tin chỉ là công cụ thực hiện; số lượng dịch vụ công triển khai không quan trọng bằng chất lượng thực hiện, trong đó chú trọng làm trước các dịch vụ dễ, dịch vụ có nhiều hồ sơ. Văn phòng Chính phủ ủng hộ mô hình thuê dịch vụ trọn gói, điển hình như mô hình của tỉnh Lâm Đồng sử dụng dịch vụ VietNam Post của VNPT để giảm bớt nhân lực trong bộ máy hành chính.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết sẽ tạo điều kiện để các tỉnh triển khai tốt nhiệm vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện cho các đoàn học hỏi kinh nghiệm…