Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, UBND và Sở Nội vụ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
Theo ông Trần Anh Tuấn, việc triển khai các Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tác động đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, việc xây dựng các văn bản thực hiện, các biểu mẫu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, Bộ Nội vụ tiếp thu, tập trung hoàn thiện sớm dự thảo trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai.
Góp ý vào các dự thảo, các đại biểu đều nhất trí, đánh giá cao với việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ và cần sớm có văn bản hướng dẫn cho các địa phương để triển khai thực hiện một cách thống nhất; quá trình thực hiện, cần tinh thần và quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo của các địa phương; tích cực tuyên truyền cho người dân tại các huyện, xã thuộc diện sắp xếp để người dân hiểu, đồng tình ủng hộ.
Thảo luận các nội dung liên quan, nhiều đại biểu cho rằng một trong những giải pháp cơ bản là cần phải thực hiện tốt công tác vận động trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền cũng như nhân dân.
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau đề nghị, do mỗi địa phương có nguồn lực khác nhau nên trong vấn đề giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư cần có hướng dẫn chung nhất, đồng bộ về số lượng, chính sách giải quyết cụ thể.
Đồng quan điểm này, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho rằng, nếu triển khai không cụ thể, việc giải quyết bộ máy hành chính sẽ có quá nhiều cán bộ, công chức. Vì vậy, nên có khung chính sách chung để các địa phương thực hiện, vừa đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện nhanh chóng.
Thống nhất cao việc xây dựng các biểu mẫu, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc Bộ Nội vụ xây dựng các bản dự thảo, hướng dẫn tờ trình mẫu, các biểu mẫu, phiếu lấy ý kiến cử tri… thống nhất chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thực hiện triển khai được nhanh chóng, thống nhất giữa các địa phương cũng như thuận lợi trong thẩm định.
Về tiến độ thời gian triển khai thực hiện các đề án, nhiều đại biểu cho rằng cần thực hiện dứt điểm trong năm 2019, nếu kéo dài sang năm 2020 sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng rất lớn đến đại hội Đảng cấp xã, cấp huyện vào năm 2020. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Nội vụ cần sớm xem xét, ban hành Nghị quyết về kế hoạch thực hiện cũng như có văn bản hướng dẫn về mẫu hồ sơ đề án, để các địa phương căn cứ thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung như: trình tự, thủ tục được quy định trong các dự thảo Nghị quyết; việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị; giải pháp về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi sắp xếp; về cách tính bình quân dân số, diện tích các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tiến hành sáp nhập; việc lấy ý kiến của cư tri tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; góp ý vào biểu mẫu của hồ sơ xây dựng đề án, mẫu tờ trình Chính phủ, phương án tổng thể; thời gian chuyển đổi giấy tờ của người dân, tổ chức; vấn đề xây dựng khung chính sách để hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư, sắp xếp cán bộ xã cũng như vấn đề bố trí nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất cho các địa phương sau khi sáp nhập…