Tại buổi làm việc, báo cáo tình hình hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết: Đại học Quốc gia Hà Nội là mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết, học tập kinh nghiệm có sàng lọc mô hình các đại học danh tiếng trên thế giới. Cơ chế quản trị đại học tiên tiến đặt dưới sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy được quyền tự chủ cao trong mọi hoạt động, vừa thực hiện được sự liên thông, liên kết vừa phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng đơn vị thành viên và trực thuộc, đáp ứng nhanh yêu cầu đào tạo chất lượng cao, trình độ cao.
Từ năm 2013, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” với mục tiêu cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Phát triển hạ tầng giao thông và thông tin, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc. Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Sau thời gian triển khai, các kết quả nghiên cứu ban đầu của Chương trình đã bám sát mục tiêu, chuyển giao các tỉnh thông qua việc góp ý Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; báo cáo trong các hội nghị, hội thảo khoa học và trong các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương. Các hoạt động của Chương trình đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi việc lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các địa phương đánh giá cao và mong muốn hợp tác sâu rộng với Chương trình và Đại học Quốc gia Hà Nội. Qua đó góp phần thiết thực mở rộng quan hệ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá, trong thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều nỗ lực vượt qua những khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đổi mới và đạt được những kết quả nổi bật trên tất cả các mặt hoạt động. Xếp hạng quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những bước phát triển nhanh chóng, đến nay được xếp hạng 139 trong hệ thống các trường Đại học hàng đầu châu Á. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều thành tựu nổi bật với nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao, phục vụ thực tiễn. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang được triển khai hiệu quả “Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” với nhiều sản phẩm cụ thể được hoàn thành và chuyển giao, được các đơn vị ứng dụng đánh giá tốt.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, Đại học Quốc gia Hà Nội cần phát huy tự chủ về tài chính để giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách. Các sản phẩm phải mang tính thực tiễn và tạo ra giá trị. Việc đầu tư phải trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao nhất..., xây dựng thương hiệu và vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Bắc ủng hộ về chủ trương các đề xuất của Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan tới: ưu tiên nguồn lực và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài; cơ chế, chính sách phát triển Đào tạo và Khoa học công nghệ; tiếp tục triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn sau năm 2018.
Đánh giá cao nỗ lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong việc triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận lần đầu tiên có một chương trình thu hút nhiều nhà khoa học đến với Tây Bắc. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị có báo cáo đánh giá toàn diện về kết quả Chương trình giai đoạn 2013-2018 và đề xuất tiếp tục triển khai sau năm 2018, tập trung vào các nội dung như: xây dựng cơ sở dữ liệu vùng; các đề tài nghiên cứu về vấn đề trồng rừng, phát triển du lịch, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Tây Bắc.
Nhấn mạnh khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu rõ, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo lên hàng đầu, nếu không sẽ bị tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đây là cơ hội để đi tắt đón đầu cho những nước đi sau như Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội để có các cơ chế phù hợp tạo đột phá, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, thực sự trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.