Góp phần định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Thông tấn xã Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Đinh Đăng Quang nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ khóa XXV đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN, toàn Đảng bộ, toàn ngành đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng. Toàn ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của TTXVN; Chương trình hành động của TTXVN về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 và hằng năm...
Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng, ban hành kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị trong ngành thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đảng ủy và Ban lãnh đạo TTXVN luôn coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể; quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triệt để thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí với các biện pháp cụ thể. Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của TTXVN được thành lập từ tháng 8/2009 và thường xuyên được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thông tin trong toàn ngành thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với thông tin về phòng, chống tham nhũng trong nước, với lợi thế có mạng lưới phóng viên thường trú tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước và có quan hệ với hơn 40 hãng thông tấn, cơ quan báo chí đối tác, TTXVN còn tập trung thông tin về kinh nghiệm, bài học của các nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng...
6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN đã sản xuất, đăng phát khoảng 600 tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình, tin đồ họa về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngay đầu năm 2019, trên Cổng thông tin điện tử của TTXVN đã giới thiệu sản phẩm thông tin đặc biệt về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với hình thức Megastory. Đây là sản phẩm báo chí đa phương tiện, tích hợp các loại hình thông tin như văn bản, ảnh, đồ họa; tập hợp cơ sở dữ liệu gồm tất cả các vụ tiêu cực, tham nhũng bị xử lý kỷ luật, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong suốt năm 2018, ở Trung ương và địa phương, thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân.
Tuyến tin phòng, chống tham nhũng “vặt” tiếp tục tăng cường, bám sát tình hình ở nhiều địa bàn, lĩnh vực. Chuyên mục “Người tốt, việc tốt”, bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN đã khai thác, biên tập, dịch sang 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha, gần 600 tin, bài để các báo và các hãng thông tấn nước ngoài khai thác, sử dụng.
Ngoài ra, TTXVN còn thực hiện thông tin, báo cáo tham khảo về lĩnh vực này phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, trong đó, chú ý khai thác dư luận quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam với nhiều nguồn tin.
Phó Tổng Giám đốc Đinh Đăng Quang khẳng định: Thực hiện chức năng thông tấn nhà nước, thông tin của TTXVN đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu
Qua làm việc với đại diện lãnh đạo cấp ủy các đơn vị chức năng của TTXVN, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Hà Dũng Hải đánh giá: Đảng ủy TTXVN đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Với chức năng thông tấn nhà nước, thông tin của TTXVN đã góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các đơn vị thông tin thực hiện bằng các loại hình (tin văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa) tích hợp trong các sản phẩm thông tin của TTXVN. Nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng được các đơn vị thông tin của TTXVN triển khai khá phong phú, đa dạng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp, công tác kiểm tra của Ban Kiểm tra TTXVN, Công đoàn TTXVN và hoạt động thanh tra nhân dân, TTXVN chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào trong nội bộ và chưa phát hiện trường hợp nào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tổ giúp việc đề nghị Đảng ủy TTXVN tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, thiết thực các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường lực lượng phóng viên tham gia trực tiếp cho mảng đề tài trọng yếu này; chú trọng giới thiệu các điển hình tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng, kết hợp tốt giữa "chống" và "xây", "chống" để "xây" và "xây" để "chống" khi thông tin về phòng, chống tham nhũng, tránh thông tin một cách cực đoan, một chiều, đơn giản hóa sự việc, nhấn mạnh khuyết điểm và tiêu cực mà thiếu cách nhìn toàn diện khi đánh giá sự việc.
TTXVN cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị với phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Đại diện lãnh đạo, các đơn vị của TTXVN đã nêu những kiến nghị, đề xuất cụ thể với Đoàn công tác để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao TTXVN đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng cho cuộc làm việc. Các vấn đề được Tổ giúp việc nêu tại các cuộc làm việc với các đơn vị chức năng đã được hoàn thiện, bổ sung đầy đủ.
Nhất trí với những điểm trong báo cáo đã nêu, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, với tư cách là cơ quan thông tấn, nơi cung cấp tin nguồn nhiều lĩnh vực, trong đó, có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TTXVN đã làm rất tốt tuyến thông tin này. Tuy thống kê chưa đầy đủ, nhưng với số lượng trung bình là 3 tin, bài/ngày, kể cả ngày nghỉ, là số lượng lớn trong công tác thông tin về đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Chất lượng tin, bài của TTXVN cũng rất tốt, phản ánh được kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng lãnh đạo, chỉ đạo. Trong hình thức tuyên truyền, với thế mạnh và kinh nghiệm của mình, TTXVN đã lựa chọn hình thức mới, hấp dẫn người đọc, người xem, hệ thống hóa vấn đề, phản ánh đầy đủ, có tính hệ thống trong công tác này.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, là một hãng thông tấn lớn, có nhiều đơn vị trực thuộc, trải dài trên tất cả các vùng, miền cả nước và cơ quan thường trú ở nước ngoài, TTXVN đã chú ý về công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ của cơ quan như việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, nghị quyết, kết luận đó, TTXVN đã hình thành nên quy chế, quy định của cơ quan; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong nội bộ, tổ chức đảng, đảng viên... Trong hoạt động, TTXVN đã công khai minh bạch những quy định, quy chế liên quan đến mua sắm chi tiêu trong nội bộ...
Thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị TTXVN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng cao, ngày càng quyết liệt nên đòi hỏi công tác tuyên truyền phải mạnh mẽ hơn. Đấu tranh bằng nhiều biện pháp, báo chí cũng là một trong những biện pháp đấu tranh rất hiệu quả. Không chỉ thông tin, tuyên truyền kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà chính chúng ta tham gia vào công tác này bằng phương pháp, cách thức của cơ quan báo chí..
Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đòi hỏi bản lĩnh, sự quyết tâm, tiến hành bài bản, khoa học, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Đối với TTXVN, yêu cầu này càng đặt ra cao hơn vì đây là cơ quan cung cấp thông tin nguồn. Đồng thời, việc đấu tranh phải gắn liền với việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý, trong giai đoạn mới, TTXVN cần tiếp tục duy trì và tập trung vào một số lĩnh vực mới, lĩnh vực còn khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể như đấu tranh chống tham nhũng ở cấp cơ sở, trong mối quan hệ giữa những người thực thi công vụ và công dân... để mọi người dân đều cảm nhận được thành tựu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người làm báo phản ánh công tác phòng, chống tham nhũng cần phải thực sự tỉnh táo, lưu ý không trở thành công cụ cho những cơ hội chính trị, lợi dụng báo chí.
Đối với nội bộ cơ quan TTXVN, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị, cần tiếp tục triển khai những việc đã làm tốt. Điều quan trọng nhất là phòng ngừa, phòng là chính, thể hiện qua việc thực hiện dân chủ cơ quan, công khai, minh bạch trong lĩnh vực phải chi tiêu, xây dựng các quy chế, định mức... TTXVN tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường, xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ, việc tiêu cực trong cơ quan báo chí về hành chính, tài chính không nguy hiểm bằng việc tiêu cực bằng chính ngòi bút, bằng bài viết. Cần cảnh báo và ngăn ngừa tránh tình trạng “Sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng”, “chào hàng lấy tiền”... TTXVN cần ngăn ngừa những tình trạng nêu trên để góp phần cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng trong sạch.
Đối với các kiến nghị của TTXVN về cơ chế cung cấp thông tin; tiếp cận với thông tin một cách kịp thời, hệ thống, cân đối, hài hòa giữa các mảng thông tin tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, cung cấp thông tin theo định kỳ..., đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận, trao đổi với các cơ quan chức năng để giúp các cơ quan báo chí chủ động thông tin hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN khẳng định tiếp thu nghiêm túc chỉ đạo tại cuộc làm việc; tiếp tục phát huy vai trò của TTXVN, cơ quan thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.