Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Kết thúc Hội nghị, các Nhà Lãnh đạo thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giới thiệu toàn văn Tuyên bố:
Tuyên bố Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19
1. Chúng tôi, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN theo hình thức họp trực tuyến vào ngày 14/4/2020. Hội nghị cấp cao do Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
2. Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự lây lan của dịch COVID-19 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch vào ngày 11/3/2020 và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh này đối với an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu.
3. Chúng tôi bày tỏ tiếc thương sâu sắc trước sự mất mát về tính mạng và khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chúng tôi cũng khen ngợi các chuyên gia y khoa, nhân viên y tế và đội ngũ chống dịch ở tuyến đầu.
4. Nhắc lại Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với sự bùng phát của dịch COVID-19 ngày 14/2/2020, chúng tôi tái khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực.
5. Chúng tôi đánh giá cao các biện pháp của các quốc gia thành viên ASEAN và những nỗ lực kịp thời của kênh hợp tác y tế và các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN, phối hợp với các đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế trong ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát và ứng phó sự lây lan của COVID-19; giải quyết các thách thức nghiêm trọng, nhiều mặt của dịch bệnh.
6. Nhận thức sự tương hỗ giữa các quốc gia thành viên và tác động chung của dịch COVID-19, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của cách tiếp cận thống nhất, đa ngành, đa thành phần và toàn Cộng đồng bảo đảm ứng phó dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
7. Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cam kết phối hợp chặt chẽ với WHO, các cơ quan liên quan và cộng đồng quốc tế hướng đến nâng cao khả năng sẵn sàng và ứng phó chung trước dịch bệnh. Chúng tôi nhấn mạnh giá trị của việc thường xuyên, kịp thời trao đổi thông tin và chia sẻ thực tiễn tốt giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác của ASEAN trong ứng phó hiệu quả dịch COVID-19.
8. Chúng tôi kêu gọi đẩy mạnh một Cộng đồng ASEAN quan tâm và sẻ chia, nơi mà các quốc gia thành viên ASEAN hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này.
9. Tiếp nối các nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN và của Cộng đồng ASEAN, chúng tôi quyết tâm:
(i) Tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác y tế công cộng nhằm kiểm soát đại dịch và bảo vệ người dân, gồm trao đổi kịp thời, minh bạch thông tin về tình hình thực tại và các biện pháp ứng phó đại dịch của các quốc gia thành viên; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong nghiên cứu và phát triển dịch tễ học, điều trị lâm sàng, nghiên cứu và phát triển vắc-xin và thuốc chống vi-rút; nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế công cộng.
Chúng tôi khen ngợi các nỗ lực tăng cường hợp tác thực tiễn trong hợp tác quốc phòng ASEAN thông qua tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt trong khu vực cũng như với các đối tác qua kênh song phương hoặc đa phương, bao gồm việc tổ chức cuộc diễn tập tình huống giả lập ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp của Trung tâm Quân y ASEAN (ACMM); và với Mạng lưới chuyên gia hóa học, sinh học và phóng xạ ASEAN trong thúc đẩy hợp tác khoa học và tăng cường kết nối giữa các chuyên gia, như đã được các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN nhất trí trong Tuyên bố chung Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh ngày 19/2/2020.
- Tăng cường hợp tác nhằm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị, vật tư và trang thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm công cụ chẩn đoán, thiết bị bảo hộ cá nhân... và khuyến khích thành lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, cũng như tận dụng các kho dự trữ liên quan của ASEAN nhằm hỗ trợ nhu cầu của các quốc gia thành viên ASEAN trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
- Tăng cường thực hiện Quy định Y tế quốc tế (IHR) của WHO năm 2005 và xem xét xây dựng một bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn của ASEAN cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
- Nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm thành lập Mạng lưới các chuyên gia về y tế về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp thời gian tới, tăng cường năng lực của các mạng lưới ứng phó các tình huống khẩn cấp sẵn có của ASEAN, như Mạng lưới Trung tâm vận hành trong tình huống khẩn cấp ASEAN, Trung tâm đánh giá và trao đổi thông tin về rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC) và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA), nhằm chuẩn bị cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp trong tương lai.
(ii) Ưu tiên an sinh của người dân trong nỗ lực tập thể của ASEAN phòng chống dịch COVID-19 và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho công dân của các quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại các quốc gia thành viên hoặc nước thứ ba.
- Khuyến khích triển khai hiệu quả Tài liệu hướng dẫn của ASEAN về hỗ trợ khẩn cấp của cơ quan ngoại giao ASEAN tại nước thứ ba cho công dân ASEAN trong tình huống khủng hoảng.
(iii) Tăng cường truyền thông đại chúng hiệu quả và minh bạch bằng nhiều hình thức, gồm cập nhật kịp thời chính sách của các nước, các thông tin về sức khỏe cộng đồng và an toàn, đính chính các thông tin sai lệch và nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Khuyến khích kênh hợp tác thông tin ASEAN tăng cường hợp tác chống thông tin sai lệch và tin tức giả mạo, cũng như xây dựng Tài liệu hướng dẫn và một nền tảng chung để thúc đẩy chia sẻ thông tin kịp thời trong ASEAN.
(iv) Khẳng định lại cam kết trong hành động và phối hợp chính sách để giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch, bảo đảm an sinh của người dân và duy trì ổn định kinh tế-xã hội.
- Giao các Bộ trưởng và quan chức kinh tế thực hiện Tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó dịch COVID-19 ngày 10/3/2020, bao gồm:
+ Duy trì cam kết mở cửa thị trường ASEAN cho thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác của ASEAN với mục đích bảo đảm an ninh lương thực, trong đó tận dụng hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tăng cường khả năng phục hồi, sự phát triển bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, nhất là thực phẩm, hàng hóa, thuốc men, vật tư y tế và các vật dụng cần thiết khác.
+ Thực hiện các biện pháp thích hợp để thúc đẩy lòng tin và nâng cao sự ổn định của kinh tế khu vực thông qua các chính sách kích cầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm yếm thế.
- Hợp tác bảo đảm an toàn xã hội cho người dân, ngăn chặn sự suy thoái và mất ổn định xã hội do tác động tiêu cực của đại dịch, tiếp tục nỗ lực kiến tạo và triển khai hệ thống cảnh báo rủi ro và phản ứng nhanh để giảm thiểu các khả năng rủi ro và nâng cao năng lực tự cường cho nhóm yếm thế.
- Khuyến khích xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối ASEAN, ngành du lịch, hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội thường ngày của ASEAN, ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế.
(v) Nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận nhiều bên liên quan, đa ngành và toàn diện của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 và các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp khác trong tương lai. Đánh giá cao vai trò tích cực của Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) và kết quả làm việc của Nhóm công tác liên ngành trực thuộc Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), cũng như các cơ quan chuyên ngành khác của ASEAN. Chỉ đạo ACCWG-PHE hỗ trợ ACC đảm nhiệm vai trò cơ quan điều phối chính các phản ứng tổng thể của ASEAN trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
(vi) Giao các Bộ trưởng và quan chức kinh tế bảo đảm duy trì kết nối chuỗi cung ứng, nhất là giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tạo thuận lợi cho lưu chuyển nhu yếu phẩm, gồm các vật tư y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác; bảo đảm hạ tầng thiết yếu mở gồm hàng không, đường bộ và đường biển cho giao dịch thương mại; không áp đặt các biện pháp hạn chế không cần thiết đối với hàng hoá, gồm vật tư y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác, phù hợp các quyền và nghĩa vụ được quy định bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các quy định của luật pháp quốc tế.
(vii) Hỗ trợ tái phân bổ các quỹ hiện có; khuyến khích các đối tác của ASEAN hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong hợp tác chống dịch COVID-19, gồm cả đề xuất thành lập Quỹ ứng phó dịch COVID-19 của ASEAN.
Chúng tôi giao ACC, với sự hỗ trợ của ACCWG-PHE, giám sát công tác triển khai hợp tác ASEAN trong ứng phó dịch COVID-19, giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội, thường xuyên báo cáo, đề xuất với các lãnh đạo ASEAN các khuyến nghị phù hợp để kịp thời chỉ đạo. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN cùng hợp tác toàn diện và chặt chẽ với ACC thực hiện các cam kết và thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố này.
Chúng tôi cam kết duy trì thống nhất và cẩn trọng trong ứng phó dịch COVID-19; cam kết hợp tác chặt chẽ với WHO, các đối tác của ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, bảo vệ an toàn và sinh kế của người dân, duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội, đồng thời giữ vững đà xây dựng Cộng đồng ASEAN vì sự phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.