Ngày 14/3, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, sở hữu đất đai… đã được các đại biểu tham gia góp ý.
Hội nghị góp ý kiến xây dựng Hiến pháp tại Bộ Công an. |
Các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội; tăng tính dân chủ và pháp quyền theo định hướng XHCN, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Các ý kiến đều thống nhất giữ nguyên Điều 4 Dự thảo Hiến pháp. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Đối với vấn đề đất đai, nhiều đại biểu cho rằng Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân đã cho thấy tính chất ưu việt của đất nước là quyền thuộc về nhân dân, quyền tối thượng là phục vụ nhân dân, thể hiện tính dân chủ cao. Song, không ít ý kiến băn khoăn cho rằng khái niệm này còn chung chung, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để đồng hóa việc thu hồi đất phục vụ công trình phúc lợi công cộng với phục vụ sản xuất, đây là mầm mống của những vụ khiếu kiện. Khoản 3 Điều 58 cần nêu rõ Nhà nước thu hồi đất như thế nào, với các công trình an ninh quốc phòng, công trình công cộng, Nhà nước thu hồi phải có bồi thường thỏa đáng nhưng với những dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải thu mua. Do đó, cần tách nội dung “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ra khỏi khoản này, để chủ đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng để lấy đất của dân.
Phát huy dân chủ trực tiếp, trí tuệ của công dân
Sáng 14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Bộ Công an đã nghiêm túc tổ chức triển khai việc lấy ý kiến trong toàn lực lượng công an nhân dân. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã phát động một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn lực lượng nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, trí tuệ, quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc; trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an đối với việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, các ý kiến thống nhất với các quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp, cụ thể, là tiếp tục ghi nhận các quy định về bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992.
Nhiều ý kiến làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề như: Khẳng định thể chế của Nhà nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là một nước độc lập, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, nhiều đại biểu nêu ý kiến cụ thể góp ý về các quy định trong Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an nhân dân với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; mối quan hệ giữa bảo vệ an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại...
Đề nghị quyền được đảm bảo về đất ở
Sáng 14/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc xây dựng Hiến pháp, tôn trọng thi hành Hiến pháp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể lấy ý kiến đóng góp của cán bộ viên chức trong đơn vị. Đến nay, 32 đơn vị thuộc bộ đã gửi báo cáo đóng góp về bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở… Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Hiến pháp cần quy định thêm một nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất.
Điều 47, dự thảo ghi “công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật Hình sự không có khái niệm “tội nặng nhất” mà chỉ quy định 4 mức tội theo khung hình phạt là: tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó để đảm bảo đúng thuật ngữ pháp lý, các đại biểu thống nhất nên bỏ cụm từ “phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” thay vào cụm từ “bị trừng trị theo quy định của pháp luật”.
Tự do sáng tạo trong khoa học
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hoàn thiện báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại 121 đơn vị trực thuộc bộ và đã nhận được 443 ý kiến đóng góp cụ thể vào các điều trong dự thảo.
Đánh giá chung về dự thảo, hội nghị nhất trí khẳng định, dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn, hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ… Nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.
Về các quy định của dự thảo đối với khoa học và công nghệ, các đại biểu cho rằng, các quy định đã khẳng định rõ các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu”, khẳng định “khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, đặc biệt trong quá trình xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức. Dự thảo cũng khẳng định quan điểm tự do sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
TTN