Với nền móng từ chuyến thăm của Chủ tịch Thượng Nghị viện Chile Salvador Paredet tới Việt Nam năm 1969 và đặc biệt là việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971, Chile trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quan hệ hai nước đã ngày càng phát triển tốt đẹp và từng bước nâng lên tầm cao mới.
Từ chuyến thăm lịch sử…
Trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt, tháng 5/1969, một đoàn đại biểu Chile đã tới thăm Việt Nam với tư cách là đoàn đại biểu nhân dân, thể hiện tình đoàn kết của nhân dân Chile với nhân dân Việt Nam, đồng thời tìm hiểu thực tế, nghiên cứu tại chỗ những kinh nghiệm chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Đoàn gồm hai người: Bác sĩ Salvador Allende, Chủ tịch Thượng nghị viện Chile, một trong những người sáng lập Đảng Xã hội Chile (1993) và Edoardo Paredet, một thanh niên mới tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Paris (Pháp), Ủy viên Trung ương Đảng Xã hội Chile.
Trong thời gian hai tuần ở thăm Việt Nam, Chủ tịch Thượng nghị viện Salvador Allende đã đi nhiều nơi, chú ý tìm hiểu thực tế chiến đấu và những kinh nghiệm Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng một mặt trận đoàn kết dân tộc và mạng lưới y tế để cấp cứu và điều trị những nạn nhân chiến tranh.
Một trong những nguyện vọng thiết tha của ông Salvador Allende trong chuyến thăm Việt Nam là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện vọng ấy đã thành hiện thực. Đúng 8 giờ ngày 23/5/1969, tại căn phòng nhỏ trong khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn. Sau khi thăm hỏi sức khỏe của các khách quý và thay mặt nhân dân Việt Nam cảm ơn tình đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân Chile đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở phong bì lấy ra tấm ảnh chụp chung với các dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi của miền Nam. Bác giới thiệu tên, tuổi và chiến công của từng người.
Tiếp đó, Người mở cuốn sổ tay và đọc những số liệu các cháu thiếu nhi đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" mỗi năm một tăng. Cuộc tiếp khách trong khoảng 45 phút. Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng mỗi vị khách một tấm ảnh của Người (9cmx12cm) phía dưới có ghi: "Chào thân ái và quyết thắng" với chữ ký Hồ Chí Minh. Bác sĩ Allende tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếc đĩa và tặng Thủ tướng chiếc gạt tàn thuốc lá bằng đồng. Sau này, khi là Tổng thống nước Cộng hòa Chile, tấm ảnh kỷ niệm đó là vật duy nhất được đặt trên bàn làm việc của bác sĩ Allende tại dinh Tổng thống Mônêda.
Ngay sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm đó, bác sĩ Allende đã viết bài nói lên những cảm tưởng, suy nghĩ của mình sau những ngày tham quan Việt Nam, trong bài có đoạn: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là lịch sử, là người con đồng thời là người cha của cách mạng. Cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Người đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Quyết tâm của Người được thể hiện qua những câu nói ngắn gọn, giản dị và trong sáng, chứa đựng lòng dũng cảm và ý chí quật cường của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Chuyến thăm trải nghiệm hai tuần ở Việt Nam và cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong cuộc đời, sự nghiệp của Salvador Allende. Sau này, khi Allende giữ cương vị là Tổng thống, một trong những quyết định đầu tiên của Chính phủ Chile là thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chấp nhận để Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đặt cơ quan đại diện tại Chile. Chile đã trở thành quốc gia đầu tiên của lục địa Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ của Nhà nước Việt Nam với Chile.
…Tới quan hệ đối tác toàn diện, tin cậy lẫn nhau
Trải qua năm tháng, dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chile vẫn ngày càng phát triển tốt đẹp. Hai nước trao đổi nhiều chuyến thăm các cấp, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 5/2007. Hai nước ký kết nhiều hiệp định song phương trên các lĩnh vực hợp tác; điểm nhấn là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile có hiệu lực ngày 1/1/2014.
Kết quả là, năm 2017, sau 3 năm triển khai FTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,28 tỷ USD, tăng 24,3% so với năm 2016 và cao gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi FTA đi vào hiệu lực. Thành tích ấn tượng này cho thấy FTA đã mang lại cú hích lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa Chile trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2020 vừa qua, mặc dù quốc gia Nam Mỹ phải hứng chịu những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả tích cực, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt 1,28 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 1,02 tỷ USD, tăng 8,3%, nhập khẩu đạt 265,5 triệu USD, giảm 8,1%.
Hai tháng đầu năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chile đạt 264,8 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu sang Chile đạt 216 triệu USD, tăng 31%, nhập khẩu đạt 48,8 triệu USD, tăng 44,1%.
Các sản phẩm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam sang Chile chủ yếu là hàng tiêu dùng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may, giày dép các loại, clanke và xi măng, gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ...
Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy. Ngoài ra, ta cũng nhập khẩu một số sản phẩm khác như rượu vang, hoa quả tươi, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phế liệu sắt thép...
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam và Chile cùng là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu trong năm 2021, Quốc hội Chile phê chuẩn CPTPP, thị trường Chile sẽ trở thành thị trường xuất khẩu rất có tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam; đồng thời ta có thể tận dụng đưa hàng Việt Nam vào các nước Peru, Bolivia, phía Nam của Brazil và phía Bắc của Argentina thông qua Khu mậu dịch tự do Iquique nằm tại phía Bắc của Chile.
Có thể nói, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng sức hấp dẫn của mỗi thị trường vừa là động lực, vừa là sức hút để Việt Nam và Chile xích lại gần nhau hơn, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Cùng chia sẻ về giải pháp thúc đẩy các FTA, ông Rodrigo Yáñez, Thứ trưởng Bộ Quan hệ Kinh tế Quốc tế Chile, cho rằng, để phát huy hiệu quả các thỏa thuận trong FTA, Việt Nam và Chile cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, dịch vụ và kinh tế số, đồng thời rà soát danh sách các sản phẩm và ngành nghề được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cũng cần cải thiện hơn nữa hiệu quả sản xuất nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư từ cả hai phía.
Bên cạnh lĩnh vực hợp tác đầu tư thương mại, đối ngoại nhân dân cũng là một điểm sáng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chile. Những năm qua, Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Chile (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Các loại hình hoạt động trên nhiều lĩnh vực không chỉ hoạt động tuyên truyền có tính bề nổi như lễ tân, khánh tiết mà gắn với việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch... giao lưu, quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Chile.
Hội cũng củng cố và phát triển quan hệ với Viện Văn hóa Chile-Việt Nam, tranh thủ sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Chile và Đại sứ quán Chile tại Việt Nam trong triển khai các hoạt động của Hội nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Chile nói riêng và khu vực Mỹ Latin nói chung.
Thời gian qua, Hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều sự kiện giao lưu nhân dân ý nghĩa như: Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm 45 năm Ngày Tổng thống Chile Salvaldor Allende thăm Việt Nam (1969-2014); các hoạt động bên lề nhân chuyến thăm của Tổng thống Eduardo Frei (tháng 7/2016); chuyến thăm cấp Nhà nước và tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 (APEC Việt Nam 2017) của Tổng thống Michelle Bachelet (tháng 11/2017); phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Chile tổ chức tại Hà Nội nhiều hoạt động ý nghĩa giữa hai nước...
Mở rộng lĩnh vực hợp tác
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Chile (25/3/1971-25/3/2021), ngày 24/3/2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi điện mừng với Tổng thống nước Cộng hòa Chile Sebastián Piñera Echenique.
Điện chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đoạn: “Quan hệ Việt Nam – Chile, trải qua nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm của lịch sử, đã có những bước phát triển vững chắc và ngày càng sâu rộng… Trên cơ sở nền tảng tốt đẹp đó, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với những người bạn thân thiết và đối tác Chile để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Chile thời gian tới, phục vụ đắc lực cho lợi ích của nhân dân hai nước cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực”.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng điện đàm với Tổng thống nước Cộng hòa Chile SebastianPiñera để trao đổi các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Chile. Hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí một số các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện giữa hai nước thời gian tới, bao gồm việc duy trì nhịp độ trao đổi đoàn cấp cao, triển khai hiệu quả và thường xuyên các cơ chế hợp tác; phối hợp thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác thương mại đa phương và liên khu vực trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19.
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chile, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống SebastianPiñera nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động kỷ niệm; tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, góp phần tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực.
Có thể thấy rằng, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đã liên tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Dù cách xa về mặt địa lý nhưng những tình cảm tốt đẹp và cam kết ủng hộ lẫn nhau sẽ đóng góp tích cực cho mối quan hệ hợp tác song phương và quá trình phát triển của mỗi nước. Thời gian tới, hai nước ngày càng mở rộng lĩnh vực hợp tác hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế đất nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia nằm hai bên bán cầu.