Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu tại khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Quang Hải/TTXVN |
Tham dự khóa họp có đại diện của 193 thành viên Liên hiệp quốc, các quan sát viên và các tổ chức quốc tế. Phát biểu tại khóa họp, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Hội đồng Nhân quyền, đặc biệt là cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về quyền con người.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh đứng trước những thách thức toàn cầu hiện nay, cộng đồng quốc tế cần tăng cường đối thoại, hợp tác, tránh đối đầu hay chính trị hóa trong vấn đề quyền con người.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội đồng Nhân quyền dành quan tâm thỏa đáng cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người.
Phó Chủ tịch nước cũng đề cập tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn do tác động của biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; đồng thời thông báo Việt Nam và các thành viên trong Nhóm nòng cốt sẽ giới thiệu một nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Phó Chủ tịch khẳng định Việt Nam sẽ không ngừng nỗ lực để bảo đảm tốt hơn quyền của mọi người dân Việt Nam, đồng thời sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp xúc các đại biểu quốc tế tại khóa họp. Ảnh: Quang Hải/TTXVN |
Tháng 11/2013, với số phiếu rất cao, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Trải qua hơn 2 năm tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã phát huy vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong năm cuối nhiệm kỳ tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam mong muốn ghi đậm dấu ấn với một số sáng kiến cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo đảm quyền của người khuyết tật và vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người.
Chiều ngày 13/6, tại trụ sở Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Phó Chủ tịch nước gặp Tổng thư ký IPU Martin Chungong. Tổng Thư ký IPU bày tỏ vui mừng được đón Phó Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam thăm trụ sở IPU. Ông nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam; đánh giá cao kết quả của Đại hội đồng IPU 132 và Tuyên bố Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò của IPU và luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của IPU. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của Ban Thư ký và cá nhân Tổng thư ký IPU trong triển khai các hoạt động của IPU.
Phó Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới IPU tập trung vào những nội dung như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường hơn nữa hoạt động của Hội nghị nữ nghị sỹ. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh các nữ nghị sỹ, trong đó có các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đang ngày càng thể hiện vai trò tại diễn đàn Quốc hội và có nhiều đóng góp thực chất trong các vấn đề quyết sách của đất nước.
Phó Chủ tịch nước thông tin về thành công của bầu cử Quốc hội vừa qua ở Việt Nam, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ nữ đại biệu Quốc hội lên 26,8%.
Tổng thư ký IPU hoan nghênh cam kết của Việt Nam đối với hoạt động của IPU. Tổng thư ký IPU khẳng định Ban thư ký sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng các nghị viện thành viên xây dựng chương trình nghị sự toàn diện, phản ánh những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, nhất là những vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Tổng thư ký IPU cũng nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các nữ nghị sỹ tại IPU. Tổng Thư ký IPU chúc mừng Việt Nam về việc đạt tỷ lệ cao nữ đại biểu tại Quốc hội, cao hơn hơn hẳn so với mức trung bình của thế giới (22,3%), nhất là việc Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và nữ Phó Chủ tịch nước.
Tổng Thư ký IPU ghi nhận những chia sẻ của Việt Nam về tình hình Biển Đông và đề nghị của Việt Nam về việc ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phó Tổng thư ký khẳng định sẽ thúc đẩy IPU thực hiện đúng sứ mạng của mình đóng góp vào việc duy trì hòa bình và cùng tồn tại hòa hợp giữa các quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Geneva, ngày 13/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có cuộc gặp gỡ với các cán bộ Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ cùng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cán bộ người Việt Nam làm việc tại Geneva và một số kiều bào tiêu biểu.