Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định vai trò lịch sử của Phong trào Không liên kết là ngọn cờ đầu trong việc đề cao luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải trừ quân bị, giảm bất bình đẳng trong các thể chế kinh tế, tài chính và đóng góp quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời bày tỏ tin tưởng với 120 quốc gia thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới và chiếm khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, phong trào sẽ tiếp tục là tiếng nói dẫn dắt, thúc đẩy đoàn kết trong một thế giới đang chia rẽ.
Để tiếp tục phát huy vai trò của Phong trào Không liên kết, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh các nước thành viên cần chung tiếng nói nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, phản đối các hành động đi ngược với những nguyên tắc hoà bình, độc lập. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh phong trào cần thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine và kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương chống lại Cuba và các nước thành viên khác.
Bên cạnh đó, trên tinh thần đoàn kết trong đa dạng, Phó Chủ tịch nước đề nghị Phong trào Không liên kết tôn trọng quan điểm, bảo vệ lợi ích của các quốc gia thành viên; kêu gọi phong trào tiếp tục tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN vì mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời, để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác của Phong trào, Không liên kết, Phó Chủ tịch nước cho rằng các nước thành viên cần tận dụng tốt hơn các kênh kết nối nhằm nâng cao độc lập, tự chủ về kinh tế, tăng cường hợp tác vì phát triển.
Để hiện thực hóa các giá trị và nguyện vọng chung của Phong trào Không liên kết về hội nhập, hoà bình, thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu, Phó Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam đã cùng các quốc gia trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày một vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong các liên kết khu vực khác. Về phần mình, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cùng các nước thành viên Phong trào Không liên kết giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19, các cuộc khủng hoảng nhân đạo, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực. Phó Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung của phong trào và của các quốc gia đang phát triển vì sự tiến bộ của nhân loại, vì hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Trong 2 ngày làm việc của Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết, các lãnh đạo cũng đã nhất trí thông qua các 3 văn kiện quan trọng, trong đó có văn kiện cuối cùng của Phong trào Không liên kết thể hiện toàn diện quan điểm của phong trào đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; Tuyên bố Kampala để khẳng định lại các nguyên tắc và giá trị của phong trào và Tuyên bố về Palestine nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Palestine.
Tại hội nghị lần này, các nước thành viên Phong trào Không liên kết cũng đã thống nhất kết nạp Nam Sudan và đây là lần đầu tiên sau 30 năm phong trào kết nạp một thành viên mới.