Khẳng định mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối hệ thủy chung, gắn bó, sát cánh bên nhau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua, hai bên đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của Lào, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngoài việc hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, trong đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa hai Nhà nước vẫn tiếp tục được thúc đẩy.
Tại buổi làm việc, hai bên đã bàn về việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Lào công trình quan trọng là Nhà Quốc hội của Lào. Đây là món quà ý nghĩa, là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt anh em hai nước, để người dân thấy rằng quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng hai bên cần bàn nguyên tắc thực hiện, để công trình không những đạt được mục tiêu về tiến độ đề ra, mà còn đảm bảo chất lượng kiến trúc, kết cấu, điều kiện văn hóa, phong tục tập quán, đậm đà bản sắc văn hóa Lào, thể hiện là cơ quan quyền lực của nhà nước Lào, của nhân dân các bộ tộc Lào.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dành thời gian làm việc với Đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cũng khẳng định về mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào mà không giấy mực nào có thể mô tả hết được; nêu rõ năm 2017 là năm quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt - Lào, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm ký Hiệp ước hữu nghị, hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào là một hoạt động lớn.
Trao đổi một số nội dung về công trình Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Xổm-phăn Pheng-khăm-my cho biết đã tham khảo nhiều công trình nhà Quốc hội của các nước châu Âu, công trình này cũng đã được nghiên cứu 5 năm về địa điểm, về kiến trúc, để vừa thể hiện được là một công trình hiện đại, vừa dung hòa được với nét văn hóa đặc sắc của các bộ tộc Lào, hài hòa với công trình tôn giáo và cảnh quan khu vực xung quanh, thời gian sử dụng lâu dài, tính đến 100 năm.
Đặc biệt là phải đảm bảo được tính chất hoạt động của Quốc hội. Phía Lào đã thành lập một ban giúp việc và đang chuẩn bị các bước công việc để có thể tiến hành động thổ, khởi công công trình, dự kiến vào ngày 18/7 tới.
Khẳng định Nhà Quốc hội Lào là công trình quan trọng, Bộ Chính trị Việt Nam rất quan tâm và thúc đẩy triển khai dự án này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, Ban Chỉ đạo quản lý xây dựng công trình và đơn vị thi công là Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng).
Công trình có giá trị đầu tư 100 triệu USD, theo hình thức chìa khóa trao tay. Mục tiêu đặt ra là có công trình chất lượng nhưng phải đảm bảo tiến độ, tranh thủ các điều kiện thuận lợi của mỗi bên để công trình hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Theo Phó Thủ tướng, hiện hai bên đang hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công công trình vào ngày 18/7, bàn giao vào quý I/2020, hoàn tất các công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và vận hành vào cuối năm 2020.
Đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của hai bên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công việc đang rất gấp rút, vì vậy, phía Lào cần sớm phê duyệt và cung cấp cho phía Việt Nam phương án thiết kế, công tác quy hoạch tổng mặt bằng, trên cơ sở đó tính toán khối lượng, giá trị xây dựng công trình theo định mức đơn giá phù hợp, Công trình cần phải triển khai tổng hợp từ công trình kiến trúc đến hạ tầng khu vực.
Phó Thủ tướng đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Lào chỉ đạo đơn vị đầu mối thực hiện tốt các công việc cần thiết. Ban Chỉ đạo công trình của hai nước cần tham mưu xây dựng kế hoạch báo cáo lãnh đạo cấp cao hai nước phê duyệt phương án động thổ. Để làm việc này, trước mắt Việt Nam sẽ cử lãnh đạo Bộ Xây dựng - cơ quan chủ đầu tư sang làm việc và dự kiến lộ trình thực hiện dự án, thời gian động thổ, tổ chức lễ động thổ.