Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với bà Okonjo-Iweala và tin tưởng rằng bà Okonjo-Iweala có đầy đủ các phẩm chất cần thiết, đặc biệt là khả năng lãnh đạo để dẫn dắt WTO trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay, đạt được các mục tiêu của hệ thống thương mại đa phương, phục vụ lợi ích của tất cả các thành viên.
Tại phiên họp đặc biệt của ĐHĐ WTO được tổ chức ngày 15/2 dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tại trụ sở WTO ở Geneva, các thành viên WTO đã có quyết định mang tính lịch sử, bổ nhiệm bà Ngozi Okonjo-Iweala làm Tổng Giám đốc thứ 7 của WTO, nhiệm kỳ từ ngày 1/3/2021 đến ngày 31/8/2025, trên cơ sở phù hợp với quy định của WTO về tiến trình lựa chọn Tổng Giám đốc thông qua tại ĐHĐ WTO năm 2002 và sự nhất trí của ĐHĐ tháng 7/2020.
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch ĐHĐ WTO, Đại sứ David Walker (New Zealand) trình bày tóm tắt việc thực hiện tiến trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc sau khi cựu Tổng Giám đốc Roberto Azevedo tuyên bố từ chức trước một năm so với nhiệm kỳ chính thức.
Chủ tịch ĐHĐ WTO cũng bày tỏ cám ơn Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee (1 trong 2 ứng cử viên được chọn vào vòng tham vấn thứ 3 và là vòng cuối cùng) đã tham gia vào tiến trình lựa chọn chức vụ này, đồng thời cam kết không ngừng ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và WTO. Ông Walker cũng cám ơn tất cả 8 ứng viên tham gia tiến trình này, khẳng định rằng cả 8 ứng viên đều đủ tiêu chuẩn đặc biệt cho vị trí Tổng Giám đốc WTO và sự tham gia của họ đã làm phong phú thêm cho tiến trình lựa chọn.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch ĐHĐ WTO và các thành viên WTO đều nhấn mạnh phiên họp này là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với WTO, đồng thời gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới bà Okonjo-Iweala về việc bà được bổ nhiệm làm tân Tổng giám đốc WTO.
Phát biểu trực tuyến với ĐHĐ WTO, bà Okonjo-Iweala bày tỏ vinh dự khi được lựa chọn làm Tổng Giám đốc WTO. Bà cho biết ưu tiên chính của mình là cùng với các thành viên nhanh chóng khắc phục các hậu quả về kinh tế và y tế do đại dịch COVID-19 gây ra; một WTO mạnh mẽ và phản ứng nhanh nhạy sẽ có vai trò quan trọng đối với việc đưa thế giới phục hồi đầy đủ và nhanh chóng ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bà Okonjo-Iweala bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác với các thành viên để định hình và thực thi các chính sách cần thiết nhằm tái khởi động nền kinh tế toàn cầu. Nữ Tổng Giám đốc cũng cho rằng WTO đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhưng việc hợp tác cùng nhau sẽ làm cho WTO trở nên mạnh mẽ, nhanh nhạy hơn và thích ứng tốt hơn với thực tiễn ngày nay.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ ngày 1/3/2021, bà Ngozi Okonjo-Iweala sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên và người châu Phi đầu tiên được bầu chọn làm người đứng đầu WTO. Trên thực tế, ngay cả LHQ kể từ khi thành lập năm 1945 và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng chưa từng có một nhà lãnh đạo nữ nào.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala từng đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tài chính Nigeria, nguyên Giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới (WB) và hiện là Chủ tịch Hội đồng của Liên minh vaccine (Gavi), là chuyên gia tài chính toàn cầu, nhà kinh tế học và đồng thời là chuyên gia về phát triển quốc tế với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc ở các khu vực trên thế giới, từ châu Á, châu Phi, châu Âu, Mỹ Latinh và Bắc Mỹ.