Giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài
Đặt vấn đề, trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời từ trước đến nay. Ngày 22/9/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn: “Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung đối với toàn bộ máy nhà nước?”
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chất vấn của đại biểu Vân cũng là một trong những nội dung Bộ Nội vụ đang quan tâm rất sâu sắc, trong đó có vấn đề về trọng dụng nhân tài gắn với khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo Bộ trưởng, trọng dụng nhân tài là một yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay. Đồng thời, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, Văn kiện Đại hội Đảng, trong các Chỉ thị, Kết luận và đặc biệt là tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã nhấn mạnh vấn đề này. “Chúng ta nhìn ra thế giới thì nhiều nước đã làm nên kỳ tích của sự phát triển đất nước họ bằng chính nhân tài như là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, có thể nói họ đều rất chú trọng đến vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng và cho biết, hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24/1/2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cho rằng, tuy thời gian Nghị định có hiệu lực chưa dài, bắt đầu từ năm 2018 đến nay nên mới thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học nhưng quan trọng là tất cả các địa phương đều rất chú trọng vấn đề này; điển hình là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và rất nhiều tỉnh khác. Căn cứ vào chủ trương của Đảng, thông qua Hội đồng nhân dân, nhà nước ta đã xây dựng một hệ thống chính sách phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài.
“Đến thời điểm này, chúng tôi tính được các địa phương đã thu hút được gần 3 nghìn sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, thời gian tới, căn cứ vào chủ trương của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Nội vụ đang xây dựng một Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài; cùng với đó là cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn. Hiện nay, Bộ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành. Thủ tướng Chính phủ đang đôn đốc để cố gắng nhanh nhất trong năm tới, ban hành một nghị định tổng thể, bao quát về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài, việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị là một việc các đại biểu đang rất mong đợi.
“Bởi vì, chúng ta chưa có cơ chế này, chưa có hành lang pháp lý để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, trong khi hệ thống thể chế có những mặt chưa đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột lẫn nhau. Hệ thống thể chế chưa thật sự đảm bảo đầy đủ các yếu tố cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung để cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới
“Cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị, trong vùng dân tộc thiểu số. Đây là những hạt nhân tiêu biểu trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới, Bộ trưởng có những giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ nhằm phát huy đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền núi?”, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nêu chất vấn.
Đối với câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Kiều, trưởng ngành Nội vụ cho rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho công tác dân tộc nói chung cũng như cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nói riêng. Trong suốt giai đoạn cách mạng đó, đội ngũ cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Đến thời điểm này, tỷ lệ công chức là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8%; số viên chức khoảng 13%. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ này là rất cao như Cao Bằng trên 80%, Bắc Kạn trên 70%, Lạng Sơn trên 60%, Tuyên Quang trên 40%...
Theo Bộ trưởng, đội ngũ cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm hơn ngay từ cấp xã, tuy nhiên so với dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi vẫn là ít và chưa đảm bảo được đồng đều; có những mặt theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới chưa đảm bảo được mục tiêu.
"Trong giai đoạn tới, trên cơ sở đánh giá thực hiện Quyết định 402, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc để đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở những địa bàn cấp xã cũng như là cấp huyện, đặc biệt là ở những vùng có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số đông”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.