Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025.
Việc thảo luận, lấy ý kiến đóng góp cho Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc gia, lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy và nhiều cuộc tọa đàm chuyên sâu để lấy ý kiến rộng rãi. Quá trình xây dựng Đề án như vậy, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường thấy, Ban Chỉ đạo đã làm bài bản, dân chủ, khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng Đề án.
Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã khái quát được về mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề xuất khung tiêu chí đánh giá kết quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đề xuất quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kể từ sau Hội nghị Trung ương 5 đến nay, tình hình kinh tế, xã hội đất nước có nhiều khởi sắc. GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng của năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Mặc dù, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước ta có phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, biến động mạnh giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao và thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân chưa có chuyển biến đáng kể. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Các vụ án, vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu tiếp tục được điều tra, xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, tại hội nghị này Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Bí thư tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cho thôi tham gia Ban Chấp hành khóa XIII đối với Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang và Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt. "Điều này thể hiện được tính nghiêm minh của Đảng, Nhà nước trong xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm" - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Công Biên, Bí thư Chi bộ 7 phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng lớn được đưa ra xử lý rất nhanh, đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử lý đến đó của Đảng, Nhà nước đã làm người dân rất đồng tình ủng hộ, lấy được niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách của Nhà nước chuyển biến chưa thật sự rõ nét; vẫn còn tình trạng chất lượng một số văn bản chưa sát thực tế; tổ chức thực hiện nghị quyết chưa nghiêm; cách thức tổ chức quán triệt nghị quyết còn ít đổi mới.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Công tác tổ chức cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng...