Kiểm soát các điểm “nóng”
Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới trên địa bàn Biên phòng các tỉnh phía Nam tuy không còn sôi động như trước nhưng vẫn diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát nếu lực lượng chức năng mất cảnh giác trong công tác kiểm soát biên giới.
Lợi nhuận lớn từ hàng lậu như thuốc lá, rượu, đồ điện tử đã qua sử dụng là “chất kích thích” cho các đối tượng buôn lậu tìm mọi phương cách, thủ đoạn để đưa những mặt hàng này qua biên giới, bất chấp sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của lực lượng chức năng.
Trung tá Vũ Trọng Tuệ, Đội trưởng Đội 3 của Đoàn đặc nhiệm chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng phía Nam (Đoàn 3) cho biết, các đối tượng buôn lậu tại khu vực biên giới phía Nam triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư ở khu vực biên giới để hoạt động. Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng các chính sách tạo sự thông thoáng cho hoạt động giao thương, đi lại của doanh nghiệp, người dân hai nước qua biên giới để đưa những chuyến hàng lậu qua biên giới.
Quản lý địa bàn khá phức tạp về buôn lậu, Trung tá Đỗ Mạnh Hà, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống (xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, do lực lượng chức năng của ta tập trung truy quét nên tình trạng buôn lậu tại khu vực Cầu Muống đã giảm, đa số chỉ là các vụ thẩm lậu thuốc lá, đường nhập lậu với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu qua biên giới rất có thể bùng phát trở lại nếu lực lượng chức năng “buông lơi” cảnh giác và giá cả hàng hóa giữa Việt Nam - Campuchia có sự chênh đáng kể.
Cùng chung nhận định, Thiếu tá Nguyễn Dư Khải, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, An Giang cho rằng, tình trạng buôn lậu qua biên giới Tây Nam nói chung đã được ngăn chặn, chỉ còn các vụ việc nhỏ, lẻ nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại nếu có điều kiện.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Đặng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn (phường Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, An Giang), trước kia, khu vực biên giới Gò Tamau (sát với chợ Ta Mau bên đất Campuchia) trên địa bàn do đơn vị quản lý là điểm nóng về buôn lậu qua biên giới. Đến nay, tình trạng buôn lậu qua biên giới đã phần nào hạ nhiệt, nhưng vẫn rất phức tạp.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã đấu tranh 218 vụ buôn lậu, gian lậu thương mại qua biên giới, thu giữ 520.000 USD; 174 nghìn gói thuốc lá ngoại các loại; 91 tấn đường cát; 43 tấn phế liệu các loại…, tăng 87 vụ và hơn 12 tỷ đồng giá trị hàng hóa so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, tình trạng buôn lậu qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, bất chấp nỗ lực của lực lượng chức năng, Đại tá Lý Thế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết.
Đã có nhiều năm theo dõi hoạt động phòng chống buôn lậu qua biên giới khu vực phía Nam, Trung tá Vũ Xuân Đại, Đoàn trưởng Đoàn 3 cho biết: “Tuy âm thầm nhưng cuộc chiến chống buôn lậu, gian lậu thương mại qua biên giới phía Nam vẫn rất phức tạp. Vì lợi ích kinh tế, các đối tượng buôn lậu như những con “tắc kè hoa” luôn tìm mọi cách thay đổi phương thức, thủ đoạn buôn lậu theo hướng ngày một tinh vi, gian xảo. Điều đó, đòi hỏi lực lượng Bộ đội Biên phòng phải luôn nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo trong công tác phòng chống buôn lậu qua biên giới”.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Cùng với quá trình hòa nhập kinh tế khu vực và thế giới, hoạt động giao thương, đi lại qua biên giới ngày càng nhộn nhịp, mang lại cơ hội cho sự phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn cho cán bộ, chiến sỹ Biên phòng trong công tác quản lý biên giới. Các đối tượng buôn lậu ngày càng có xu hướng cấu kết thành những đường dây liên quốc gia, sử dụng phương tiện liên lạc hiện đại, cách thức hoạt động tinh vi, thậm chí manh động.
Quản lý khu vực đường biên được coi là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cầu Muống (Đồng Tháp) đã nỗ lực cùng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.
Chỉ sang bờ bên kia sông Sở Thượng (đường phân giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia tại khu vực ấp 1, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Thiếu tá Trương Văn Thi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cầu Muống cho biết, vào mùa cạn, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng qua biên giới. Những đối tượng buôn lậu tập kết hàng ngay bên kia bờ sông, chờ đợi thời cơ thuận lợi bất kể ngày đêm, dùng xuồng máy, ghe nhỏ chở qua sông rồi đưa lên mô tô tẩu tán hàng hóa vào nội địa.
Các đối tượng buôn lậu thuê người theo dõi, thậm chí cắm “chốt” ngay đối diện Đồn Biên phòng để giám sát hoạt động của lực lượng chức năng. Đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức giao nhận hàng, dụ dỗ người dân địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn mang, vác, vận chuyển hàng lậu theo đường mòn, kênh, rạch qua biên giới và sẵn sàng chống trả, cướp hàng nếu thấy lực lượng chức năng không đủ mạnh.
Với hơn 1.000 km đường biên giới trên bộ có hàng nghìn lối mở giữa biên giới, địa bàn dân cư biên giới gần nhau và người dân hai bên thường xuyên qua lại là những điều kiện để các đối tượng buôn lậu lợi dụng đưa hàng hóa qua biên giới. Các đối tượng buôn lậu qua biên giới Tây Nam sử dụng phương pháp, thủ đoạn tương tự nhau, lợi dụng lúc tối trời, thời gian bàn giao giữa các ca gác của lực lượng chức năng để vận chuyển hàng qua biên giới rồi thuê người mang, vác, sử dụng mô tô đưa hàng vào nội địa.
Qua các vụ buôn lậu bị phát hiện, lực lượng chức năng phát giác có doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia lợi dụng chức năng vận chuyển hàng hóa quá cảnh, tạm nhập - tái xuất để vận chuyển hàng lậu, làm giả giấy tờ hoặc “quay vòng” giấy tờ hợp pháp, dùng bao bì hàng hóa nội địa (mặt hàng đường cát) để nhập lậu hàng hóa vào nội địa.
Trung tá Vũ Trọng Tuệ, Đội trưởng Đội 3, Đoàn 3 cho biết, trong quá trình đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn Biên phòng phía Nam, có thể thấy thời gian qua, bên cạnh các mặt hàng buôn lậu truyền thống là thuốc lá điếu, đường cát, rượu, bia, đồ điện tử đã qua sử dụng, tình trạng vận chuyển lậu rác thải, phế liệu từ Campuchia đang gia tăng đáng kể, tập trung ở địa bàn có đường biên giới thủy.
Riêng trong 9 tháng năm 2019, Đoàn 3 đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh 10 chuyên án, 18 vụ án với 53 đối tượng, thu giữ hơn 30 nghìn gói thuốc lá ngoại nhập lậu, 9 tấn đường cát, hơn 6 nghìn sản phẩm điện tử đã qua sử dụng, 850 tấn phế liệu, hơn 800 nghìn lít xăng, dầu…
“So với các năm trước, với sự quyết liệt của lực lượng chức năng, tình trạng buôn lậu hàng hóa qua biên giới Tây Nam và biên giới biển đã phần nào được kiểm soát, không còn những điểm nóng buôn lậu trên tuyến biên giới nhưng nhìn chung vẫn là một vấn đề đáng quan tâm của lực lượng Biên phòng phía Nam”, Trung tá Vũ Trọng Tuệ nhấn mạnh.
Bài cuối: Củng cố “màng lọc”