Theo đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị BCĐ 9 các địa phương nếu bắt được đường lậu, tổ chức đấu giá thì thông báo cho Hiệp hội để thông tin cho các thành viên hiệp hội tham gia đấu giá theo quy định hiện hành (đấu giá hạn chế) không thực hiện đấu giá rộng rãi tránh tình trạng lợi dụng hóa đơn, chứng từ quay vòng tiêu thụ đường lậu.
Bên cạnh đó, đối với đường tạm nhập tái xuất, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị thực hiện nghiêm theo quy định tại NĐ 187/2013/NĐ-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, tránh lợi dụng để gian lận thương mại, đưa hàng hóa vào Việt Nam để tiêu thụ. Theo đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị trước mắt tạm dừng cấp phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường.
Bộ Tài chính cần xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEAN mà còn cho nguồn gốc xuất xứ khác như: Brazil, Úc, Ấn Độ để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền cung từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải mua giá cao. Còn ngoài hạn ngạch vẫn áp dụng mức thuế như hiện hành. Thực hiện điều này có lợi cho việc nhập khẩu đường vào Việt Nam, vẫn giữ bảo hộ cho sản xuất trong nước như hiện nay và vẫn bảo đảm cam kết trong các FTA.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng sản lượng đường sản xuất đến tháng 5/2017 là 1.361.379 tấn, đường tồn kho tồn kho đang tiếp tục tăng lên và hiện đã ở mức cao nhất trong lịch sử ngành mía đường là xấp xỉ 750 ngàn tấn. Lượng đường tồn kho hiện đã bằng hơn 1 nửa (chiếm 54,9%) sản lượng đường sản xuất từ đầu vụ 2016/2017 đến giữa tháng 5: 1,361 triệu tấn.
Nguyên nhân làm cho đường tồn kho kỷ lục, gồm: vụ 2016/2017 nhiều nhà máy vào vụ ép trễ do ảnh hưởng thời tiết; lượng đường tồn kho đầu niên vụ 2016/2017 khá cao (479.915 tấn) từ nguồn nhập khẩu mở rộng hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu hạn ngạch thuế quan của năm 2016 về chậm, tồn sang năm 2017…
Chênh lệch giá tiêu thụ trong nước và đường nhập lậu còn cao từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đã kích thích đường lậu hoạt động mạnh và rộng khắp hơn. Việc buôn lậu đường và gian lận thương mại đã hoạt động mạnh từ nhiều năm nay, kể từ năm 2010 đến nay, năm cao nhất có thể lên đến 500 nghìn tấn/năm. Đường lậu chủ yếu được sản xuất từ Thái Lan, là nước có chính sách hỗ trợ xuất khẩu theo Luật đường Thái Lan…
Các lực lượng chức năng đã bắt một số vụ nhập lậu đường lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An nhưng mức độ hoạt động và phạm vi rộng hơn những năm trước, không chỉ ở các tỉnh biên giới Tây Nam mà ra cả miền Trung- Tây Nguyên và phía Bắc. Hình thức buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn, cơ động hơn nhằm đưa nhanh đường lậu vào nội địa như: Vận chuyển nhanh bằng các phương tiện tải trọng nhỏ hơn trước; sử dụng hóa đơn quay vòng từ đường mua trong nước, đường nhập khẩu hạn ngạch thuế quan, đường bán đấu giá từ nguồn đường lậu bắt được…thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đăng ký kinh doanh chế biến đường nhưng không hề có nhà máy sản xuất và nguyên liệu mía, chủ yếu là trộn, sang chiết, đóng bao, đóng gói, làm thành nhãn hiệu mới; sản xuất đường phèn (theo dọc biên giới khu vực Campuchia) từ đường lậu Thái Lan…
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bên cạnh kiến nghị về chính sách thì các công ty, nhà máy triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tái cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới quản trị nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao khả năng trong điều kiện hội nhập và thị trường. Đồng thời, các công ty dự báo chính xác sản lượng đường trong vụ; xây dựng kế hoạch tiêu thụ, giá cả linh hoạt, đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, không tạo chênh lệch lớn giữa giá tiêu dùng trong nước và đường lậu để hạn chế đường nhập lậu.