Nhiều bất cập
Ông Nguyên Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Công Thương) cho biết, báo cáo của các cơ quan thực thi cũng như các vụ việc đã được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn cho thấy, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp.
Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn với mọi loại hàng hóa. Vì mục tiêu lợi nhuận nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến. Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Sự chênh lệch về giá giữa hàng hóa trong nước và hàng sản xuất từ nước ngoài chính là yếu tố khiến các đối tượng bất chấp những hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Các mặt hàng bị làm giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ phần lớn được sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) được đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường kể cả chính ngạch và tiểu ngạch; trong đó, chủ yếu nhập lậu qua biên giới, nhiều nhất là biên giới phía Bắc, đường hàng không, đường biển. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm.
Ông Nguyễn Vũ Quân, Công ty TNHH Tầm nhìn và Liên Danh, thành viên Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, các khó khăn, tồn tại xuất phát từ hệ thống thực thi. Hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đưa ra 3 biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: dân sự, hành chính và hình sự (Điều 199 Luật sở hữu trí tuệ).
Mỗi biện pháp, ngoài các ưu điểm, trong quá trình thực thi đã bộc lộ các hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ mạnh và chưa đủ tính răn đe; chưa có sự phối hợp của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp với cơ quan chức năng. Trong khi đó ở Việt Nam, chưa có tòa án chuyên trách xét xử các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên rất khó xác định một cách chính xác và đầy đủ tội danh và mức xử phạt…
Về phía doanh nghiệp bị làm giả thì lại không đăng ký kịp thời và chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngại cung cấp thông tin hoặc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm vì sợ người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm, sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, và doanh thu bán hàng.
Từ những kết quả khảo sát và phân tích thực tế vấn đề bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại cho rằng, có thể nhận xét chung nhất rằng tình trạng xâm phạm thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam là rất phổ biến và đa dạng. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp vẫn còn khá thờ ơ, chưa chủ động phát hiện những xâm phạm để từ đó có thể tập hợp dữ liệu và căn cứ chống lại những hàng vi xâm phạm đó.
Ngay cả khi đã phát hiện được xâm phạm thì cũng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp không làm bất cứ việc gì mà “tự chịu đựng” và “đồng hành” cùng những xâm phạm đó. Chính những điều đó ngày càng làm phức tạp hơn và gia tăng một cách nghiêm trọng hơn các xâm phạm thương hiệu, dẫn đến làm xấu đi môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Có thể nói, luật đã quy định rất rõ nhưng từ những bất cập nói trên đã khiến cho công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng gian, hàng giả còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc giải quyết hậu quả luôn vất vả hơn rất nhiều đối với việc áp dụng phòng ngừa để hạn chế tối đa những xâm phạm. Các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa những xâm phạm thương hiệu là điều cần thiết và cần được áp dụng triệt để ngay từ khi thương hiệu xuất hiện trên thị trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, cần khẩn trương tiến hành đăng ký bảo hộ các thành tố thương hiệu như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc quyền tác giả... tại Việt Nam và tại những khu vực thị trường nước ngoài. Bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng quy tắc ưu tiên cho người nào xác lập các thủ tục đăng ký bảo hộ trước đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp có thể tham khảo về quy trình thủ tục tại nhiều quốc gia từ trang web của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Sau đó, tùy điều kiện thực tế mà doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp cơ bản như: sử dụng dán tem chống hàng giả, dùng chất chỉ thị màu in lên bao bì hoặc sản phẩm, tạo kiểu dáng cá biệt cao. Đồng thời, rà soát hệ thống phân phối và đưa ra những quy chuẩn trong phân phối và kiểm tra hàng hoá trong hệ thống. Thường xuyên rà soát thị trường, thu thập thông tin liên quan đến những hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh.
Cách làm này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và có các biện pháp khác nhau để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các trường hợp xâm phạm thương hiệu. Tuỳ theo điều kiện cụ thể và tình huống xâm phạm cụ thể mà doanh nghiệp có thể áp dụng một cách linh hoạt trong phạm vi của mình.
“Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, việc am hiểu và vận dụng pháp luật còn có những hạn chế nhất định, lời khuyên là hãy tìm đến với các chuyên gia thương hiệu hoặc chuyên gia pháp luật để có được sự tư vấn tốt nhất để ứng phó và bảo vệ hữu hiệu cho thương hiệu của mình”, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh góp ý.
Mặt khác, theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, thực tế hành động xâm phạm thương hiệu không chỉ là sản xuất và kinh doanh hàng giả mà trong rất nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn như, sắp đặt, trang trí điểm bán, quầy tủ hoặc tạo biển hiệu tương tự hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Những trường hợp này có thể coi là những hành động cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Thế nhưng, việc xử lý đối với những trường hợp này lại không dễ dàng gì và dường như là quá khó đối với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay do hiệu lực thực thi pháp luật và thủ tục giải quyết theo trình tự pháp luật đối với những trường hợp này khá phức tạp… Do vậy, đây cũng là một vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước việc nghiên cứu bổ sung về các quyền sở hữu trí tuệ.