Ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc vẫn còn nhiều trường hợp bất chấp lợi nhuận sử dụng nguyên liệu kém chất lượng, sản xuất không bảo đảm quy trình vệ sinh hoặc kinh doanh sản phẩm nhập lậu, trôi nổi trên thị trường. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh việc giám sát hàng hoá kém chất lượng, hàng nhập lậu dưới chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023.
Những ngày này, trên địa bàn cả nước, lực lượng quản lý thị trường đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá phục vụ dịp Tết Trung thu 2023. Đáng lưu ý, chỉ trong thời gian ngắn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh như bánh Trung thu "3 không" gồm: không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không thành phần. Hầu hết các loại bánh này đang được bày bán tràn lan trên thị trường bất chấp việc quản lý của cơ quan chức năng cũng như không đảm bảo an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, thực hiện Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, từ ngày 28/8 đến nay lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh bánh Trung thu có dấu hiệu nhập lậu.
Đơn cử như ngày 29/8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội Quản lý thị trường số 24 và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy - Công an huyện Hoài Đức đã tổ chức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, phát hiện và tạm thu giữ gần 2.000 chiếc bánh Trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Tiếp đó, ngày 31/8, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng đã phát hiện 960 chiếc bánh trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, chất lượng...
Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 22 (Quản lý thị trường Hà Nội) cùng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện và tạm giữ trên 4.600 chiếc bánh trung thu nhập lậu tại 179 thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Nhận định từ các chuyên gia thực phẩm, những chiếc bánh trung thu không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt, những chiếc bánh Trung thu giá siêu rẻ, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, người ăn phải có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Trước tình trạng bánh Trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thời gian triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra thị trường hàng hóa dịp Tết Trung thu từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9. Hơn nữa, người tiêu dùng nên chọn mua bánh tại những cửa hàng uy tín, sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng. Không mua các loại bánh Trung thu “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay những sản phẩm trôi nổi, hàng lậu.
Không chỉ tại địa bàn Hà Nội, ngay sau khi Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu tăng cường giám sát, tại Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc thực hiện.
Điển hình, tại Nghệ An, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Vinh. Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện 2 hộ kinh doanh đang bày bán 50 kg ruốc; 40 bánh Trung thu.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ các hộ kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt vi phạm hành chính với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, kiểm tra hộ kinh doanh C.T.T.D tại đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Vinh, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện 70 bộ đồ chơi trẻ em các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá 11 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cửa hàng kinh doanh C.T.T.D với số tiền 6,5 triệu đồng.
Tương tự, tại Lào Cai, nhận được tin báo từ người dân, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã xác minh, kiểm tra lô hàng hóa tập kết tại Tổ 11, đường Trần Đại Nghĩa, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Kết quả khám, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện toàn bộ lô hàng đựng trong 45 thùng catton chứa kẹo đồ chơi trẻ em với tổng số 54.000 cái; nhãn và bao bì ghi chữ nước ngoài, không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.
Tại thời điểm khám chủ sở hữu lô hàng là ông Lương Anh Tùng, thường trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang là chủ sử hữu lô hàng hóa không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng theo quy định. Cùng đó, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, hoặc xuất xứ của hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cũng trong chiến dịch kiểm tra, 2.400 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ vừa bị Đội Quản lý thị trường số 1 và số 2, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phát hiện và thu giữ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp nên Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để đấu tranh làm rõ hành vi, vi phạm.
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường 6, quận Gò Vấp đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH H.B trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, phát hiện 200 bánh trung thu hiệu KK LAVA CUSTARD, loại 50g/cái, ngày sản xuất 14/8/2023, hạn sử dụng 60 ngày, không có hóa đơn, chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, toàn bộ lô bánh này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, chưa qua sử dụng, tổng trị giá hàng hóa gần 4,8 triệu đồng. Do đó, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên.
Cùng đó, tại Bình Dương, 6 tấn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng mới bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện gồm: bánh, chà là, xí muội, khô bò, khô gà, khô mực, đậu, hạt dẻ… Toàn bộ số lượng hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Bởi vậy, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số tang vật nêu trên, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh tiếp tục kiểm tra tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh trung thu. Cùng đó, giám sát chặt cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm; sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu.
Đặc biệt, tập trung kiểm tra bánh trung thu và các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu tại làng nghề truyền thống trên cả nước. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi và các loại đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn trong dịp Tết Trung thu.