Đội Quản lý thị trường lưu động thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cũng đã đồng loạt kiểm tra đột xuất 8 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Pleiku và phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu.
Tất cả các cơ sở kinh doanh đều trên địa bàn TP Pleiku. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ tổng cộng 4.444 sản phẩm mang nhãn hiệu Adidas, 766 sản phẩm mang nhãn hiệu NIKE, 159 sản phẩm mang nhãn hiệu LEVI’S, 170 sản phẩm mang nhãn hiệu Blue Exchange.
Nhiều thương hiệu giày nổi tiếng bị làm giả. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN |
Qua nhận biết ban đầu, lực lượng chức năng xác định toàn bộ hàng hóa nêu trên có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 2.000 sản phẩm quần, áo, tất nhập lậu, không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đại diện chủ thể các nhãn hiệu trên đã xác định toàn bộ sản phẩm đang tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được quy định theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Đội Quản lý thị trường lưu động đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở kinh doanh với các hành vi: Bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Có được kết quả này là nhờ trước đó Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) đã tổ chức tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả đối với các nhãn hàng Nike, L’Oreal, Unilever, Masan, Akzonobel, Levi's... Qua đó, đại diện các nhãn hàng đã giới thiệu khái quát đặc điểm, kiểu dáng, mẫu mã... các sản phẩm thuộc sở hữu.
Trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai sẽ tăng cường công tác trinh sát, nắm địa bàn, giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với đại diện các nhãn hiệu, tiếp tục đột xuất kiểm tra các cửa hàng kinh doanh quần áo trên địa bàn tỉnh, chú trọng kiểm tra hàng giả, hàng nhập lậu vào các thời điểm mua sắm lớn như mùa Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.