Kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại tại các cảng, cửa khẩu khu vực biên giới

Những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp hơn so với những tháng đầu năm.

Chú thích ảnh
Cửa  khẩu Quốc tế Na Mèo - Quan Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: quanson.thanhhoa.gov.vn

Vì vậy, Cục Hải quan Thanh Hóa đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, chi cục hải quan cửa khẩu tiếp tục bám sát địa bàn, tăng cường nắm bắt tình hình; duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và đấu tranh chống mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới trong phạm vi địa bàn quản lý.

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện có 126 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan qua Cảng Nghi Sơn. Trong 10 tháng năm 2023, có 129 tàu xuất nhập cảnh qua cảng Nghi Sơn với hơn 2.000 hành khách làm thủ tục thông quan. Tổng lượng hàng xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt 2,01 triệu tấn. Nhóm hàng hóa xuất khẩu bằng container chủ yếu là: sắn lát, hạt nhựa, giấy bìa, bột đá…

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Chi cục đã tổ chức các Tổ giám sát cơ động đối với hàng hóa xuất khẩu bằng container và hàng rời tại các cảng biển Nghi Sơn, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hải quan đối với hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảng đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Hồng Phong, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn cho biết, hiện nay, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng biển, khu vực biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, nhất là thời điểm cuối năm… Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đơn vị đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, củng cố lực lượng làm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả…tại các cửa lạch ven biển, các phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh trên biển.

Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa ) kết nối giao thương với huyện Nậm Xôi, tỉnh Hủa Phăn (Lào), được đánh giá là khu vực biên giới có hoạt động thương mại sầm uất. Những tháng cuối năm 2023, người dân qua lại giao thương hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã trở nên tấp nập. Mỗi ngày cửa khẩu đón lượng lớn hàng hóa, phương tiện xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng như: sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản, quặng...

Theo thống kê, 9 tháng năm 2023, tổng số hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo đạt trên .000 tấn, nhập khẩu 24.832 tấn, hàng tạm nhập tái xuất 4.065 tấn, hàng hóa quá cảnh 10.436 tấn, tổng giá trị ước đạt 20.351 USD. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các đối tượng tăng cường các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cũng giống như các đơn vị hải quan cửa khẩu khác, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo luôn phải đối mặt với những khó khăn trong chống buôn lậu, ngăn chặn vận chuyển trái phép ma túy, hàng hóa, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc nhập lậu qua biên giới. Các đối tượng thường trà trộn hàng lậu vào cùng với hàng chính ngạch để tìm cách thông quan; trong đó có cả hàng cấm. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lợi dụng các lối mở đường biên giới, vận chuyển trực tiếp hàng trong đêm tối, vào những lúc thời tiết khắc nghiệt...

Trước tình trạng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, công an và chính quyền địa phương, người dân để tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Theo đó, phương tiện và hàng hóa được giám sát tải trọng trước khi xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Cán bộ Hải quan kiểm tra buồng lái phương tiện, đảm bảo không có hàng nhập lậu qua biên giới trước khi thông quan. Hành lý của công dân nhập cảnh được kiểm tra qua hệ thống soi thông minh và giám sát ma túy…

Bên cạnh đó, đơn vị cử các tổ công tác trực tiếp đến địa bàn, phối hợp với lực lượng công an, bộ đội biên phòng tổ chức kiểm tra, thực hiện các biện pháp đấu tranh. Đồng thời duy trì tốt chế độ tuần tra công khai và tuần tra bí mật, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động trong hoạt động nghiệp vụ. Trong đó, đã thường xuyên kiểm tra tại các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Thông qua đó đã góp phần phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thanh Hóa hiện có 3 cửa khẩu đất liền là cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát), cửa khẩu Khẹo (Thường Xuân), giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Hải quan Thanh Hóa đã nỗ lực thực hiện hiệu quả việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó phát hiện, xử lý gần 60 vụ việc; trong đó có 3 vụ vận chuyển ma túy trái phép, 1 vụ buôn lậu thuốc lá. Trong đó, lực lượng hải quan đã phối hợp với các đơn vị công an, Bộ đội Biên phòng phá chuyên án ma tuý tại Mường Lý, Mường Lát. Tang vật thu giữ gồm 14 túi nilon chứa 14 kg ma túy tổng hợp.

Khiếu Tư- Đình Nam (TTXVN)
Chủ động phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới trong mùa nước nổi
Chủ động phòng, chống buôn lậu khu vực biên giới trong mùa nước nổi

Thời điểm này, khu vực đầu nguồn ở tỉnh Đồng Tháp đang vào mùa nước nổi (mùa lũ). Nước ngập các cánh đồng thuộc khu vực biên giới hai tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) - Prey veng (Campuchia).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN