Lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm hành vi giả mạo nhãn Việt 

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia - Thiếu tướng Đàm Thanh Thế cho biết: Các lực lượng chức năng đang rốt ráo kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Hàng buôn lậu vận chuyển trái phép qua biên giới bị thu giữ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo Tổng cục Hải quan, những năm qua, tình trạng hàng nhập lậu gắn mác “Made in Vietnam” luôn là vấn đề nhức nhối. “Hải quan từng phát hiện mặt hàng khóa Việt Tiệp, loa, ván ép… đều nhập từ Trung Quốc nhưng giả xuất xứ Việt để xuất đi nước khác nhằm hưởng ưu đãi thuế quan, lừa dối người tiêu dùng trong nước”, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhấn mạnh.

Hiện phía hải quan đã khoanh vùng 6 doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng đột biến, trong đó, mặt hàng chính được nhập là ván ép. Có doanh nghiệp đã nhập trong năm 2018 lên tới cả trăm tỷ đồng và có khối lượng xuất đi Mỹ tăng bất thường.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, qua kết quả điều tra gần đây, hải quan đã xác định sai phạm của một số doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam…Việc ký kết các hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, hợp đồng từ các hộ dân với mục đích xin chứng nhận xuất xứ (C/O) để xuất đi nước ngoài. Ví dụ trường hợp có dấu hiệu phạm pháp của Công ty Hiếu Nghĩa (Lạng Sơn) đã nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi là sản xuất ở Việt Nam. Công ty Nhật Vượng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhập khẩu hàng tỷ đồng mặt hàng loa và âm ly mang một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại Việt Nam. 

Tổng cục Hải quan sẽ điều tra thêm sai phạm của những doanh nghiệp trên để làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về gian lận C/O. Ngoài việc xuất hàng hóa đi nước ngoài lợi dụng C/O Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, có những doanh nghiệp gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn. Thực tế, có doanh nghiệp đã được hoàn thuế 34 tỷ đồng.

“Công tác quản lý của các bộ ngành liên quan đến việc cấp C/O còn nhiều bất cập và sơ hở. Để khắc phục tình trạng này, hải quan sẽ sửa đổi lại quy trình nghiệp vụ hải quan đảm bảo chặt chẽ từ khâu mở hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ cho đến kiểm tra hàng hóa thông quan và kiểm tra sau thông quan”, ông Nguyễn Phi Hùng nói.

Trả lời báo giới mới đây về vấn nạn hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và tiêu thụ trót lọt tại thị trường nội địa thì trách nhiệm của các lực lượng chức năng ra sao? Ông Đàm Thanh Thế cho rằng: Chính phủ đã phân định rõ chức năng của các bộ, ngành, địa phương: Biên giới, cửa khẩu là trách nhiệm của lực lượng hải quan; biên giới đường bộ là phụ trách của bộ đội biên phòng; biển là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát biển; còn trong nội địa là trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường. Ngoài ra còn có thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ...

Mặc dù hàng gian lận xảy ra một thời gian dài nhưng đến nay, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng thừa nhận: Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Bộ Công thương đang soạn thảo văn bản quy định về việc, thế nào hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam và thế nào là hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng lưu thông trong nước.

Ngày 1/6/2017, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn nêu trên, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, trên cơ sở đó, ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 9 quốc gia đã ký ban hành kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Phía Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) sẽ kiểm tra chặt việc cấp chứng nhận xuất xứ C/O theo các Hiệp định thương mại tự do FTA; kịp thời cung cấp thông tin về các hiện tượng bất thường, các dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

“Sẽ xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; đồng thời điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Phát hiện đồng hồ Patek Phillipe giá 400 triệu đồng tại Móng Cái là hàng giả
Phát hiện đồng hồ Patek Phillipe giá 400 triệu đồng tại Móng Cái là hàng giả

Đồng hồ Patek Phillipe được bán với giá 400 triệu đồng. Tuy nhiên, hình ảnh được chụp và gửi đến chuyên gia thẩm định của hãng thì được khẳng định đây là hàng giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN