Theo đó, khoảng 9 giờ 50 phút ngày 3/4, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A, tại Km 643 đoạn qua địa phận xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình đã dừng xe ô tô tải biển kiểm soát 47C-183.29 do Hoàng Văn Toàn (sinh năm 1989, trú xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) điều khiển theo hướng Bắc - Nam. Qua kiểm tra phát hiện trên xe chở hơn 10.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ.
Ngoài ra, lực lượng Công an cũng phát hiện, thu giữ hơn 700 sản phẩm súng nhựa thuộc danh mục hàng cấm theo quy định của Chính phủ. Tổng giá trị toàn bộ lô hàng trên 150 triệu đồng. Toàn bộ số lượng tang vật và phương tiện nói trên đã được lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh bàn giao cho Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Quảng Bình tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, lúc 15 giờ 30 phút, ngày 2/4, tại Km 630 trên tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Công an huyện Bố Trạch phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình đón, dừng xe ô tô biển kiểm soát 29H-210.19 do Nguyễn Văn Tuân (sinh 1996, trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) điều khiển. Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển số lượng lớn hàng hóa gồm: Áo quần nam, nữ các loại, giày dép người lớn và trẻ em. Toàn bộ lô hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa ước tính khoảng 400 triệu đồng. Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã lập hồ sơ, tiếp tục xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
* Ông Võ Thiện Ngộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 255 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó, đơn vị đã phát hiện, xử lý 176 vụ vi phạm, với số tiền phạt và tang vật xử lý tịch thu trị giá hơn 643 triệu đồng.
Tang vật gồm 11.400 bao thuốc lá ngoại, 7 chiếc xe mô tô nhập lậu, 26,47 kg bột ngọt giả mạo nhãn hiệu, 760 hộp nhang muỗi, 27 bao đường cát, 42.900 chiếc khẩu trang y tế...
Cũng theo ông Võ Thiện Ngộ, mặc dù các đường mòn, lối mở được kiểm soát chặt chẽ, nhưng lợi dụng đêm tối, khi các lực lượng chức năng không thực hiện tuần tra, kiểm soát, một số đối tượng buôn lậu vẫn lén lút đưa hàng hóa qua biên giới, sau đó đưa lên xe ô tô vận chuyển vào nội địa đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh… để tiêu thụ. Phương thức hoạt động của các đối tượng là vận chuyển thuê, mang vác hoặc sử dụng xe gắn máy vận chuyển hàng hóa qua biên giới, tập kết lại một điểm rồi sử dụng xe ô tô loại 4-7 chỗ, vận chuyển vào nội địa và chuyển đi các tỉnh. Các đối tượng này hoạt động chủ yếu từ 21 giờ hôm trước đến 3 giờ hôm sau.
Một trong số vụ điển hình như: Ngày 7/2/2020, Đội quản lý thị trường số 8 tổ chức lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, phát hiện 2 vụ vận chuyển xe mô tô nhập lậu, tạm giữ 2 xe mô tô nhãn hiệu Honda Freeway, dung tích xi lanh 244 cm3. Ngày 1/1/2020, Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra, phát hiện Nhà thuốc Bạch Yến 1, phường 2, thành phố Tân An do bà Nguyễn Thị Bích Chi làm chủ, bán khẩu trang y tế nhưng không thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, kinh doanh hàng hóa là khẩu trang y tế nhập lậu và lợi dụng dịch bệnh để định bán giá hàng hóa bất hợp lý. Cục Quản lý thị trường Long An đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Bích Chi với số tiền tổng cộng 26,75 triệu đồng; tịch thu 47 khẩu trang y tế do nước ngoài sản xuất; buộc nộp số lại số tiền 801.000 đồng do thực hiện hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Xác định tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mặt hàng khẩu trang đôi lúc khan hiếm dễ dẫn đến vi phạm trong kinh doanh, Cục Quản lý thị trường Long An đã đề ra giải pháp phòng, chống buôn lậu. Cụ thể, Cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về kinh doanh trong thị trường nội địa; chú trọng kiểm tra các điểm buôn bán bán lẻ, nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát, kinh doanh tạp hóa có mặt hàng thuốc lá; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kết hợp công tác tuyên truyền đối với các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe trên địa bàn. Qua đó, giúp các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.