Hậu bầu cử Chủ tịch DPJ:

Chính trường Nhật Bản sẽ đi về đâu?

Ngày 14/9, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã chính thức được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) khi giành tới 721 trong tổng số 1.222 điểm, cao hơn 230 điểm so với cựu Tổng Thư ký DPJ Ichiro Ozawa. Cuộc bầu cử này cho thấy đa số các nghị sỹ cũng như cử tri Nhật Bản đều không mong muốn chứng kiến sự thay đổi liên tục ở vị trí người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng kết quả bầu cử này sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trên chính trường Nhật Bản.

“Đồng sàng, dị mộng”

Trước cuộc bầu cử này, cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama đã nỗ lực dàn xếp nhằm tránh một cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Kan và cựu Tổng Thư ký Ozawa trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch DPJ. Một số nghị sỹ trong đảng cầm quyền tin rằng đảng này có thể tránh được nguy cơ bị chia rẽ nếu ông Ozawa rút lại quyết định ra tranh cử để đổi lấy lời hứa về một vị trí trong Ban Chấp hành DPJ hoặc cam kết của Thủ tướng Kan về việc thay thế Chánh Văn phòng Nội các Yoshito Sengoku và Tổng Thư ký DPJ Yukio Edano, những người thuộc phe chống ông Ozawa. Ngày 31/8, dưới sự dàn xếp của ông Hatoyama, Thủ tướng Kan đã gặp đối thủ của mình nhưng họ đã không đạt được thỏa hiệp.

Phát biểu sau cuộc gặp này, ông Ozawa nói: “Chúng tôi đã nhất trí rằng khi cuộc bầu cử kết thúc, chúng tôi sẽ hợp tác với nhau bất kể ở vị trí nào”. Trong khi đó, Thủ tướng Kan cũng cam kết nỗ lực để duy trì sự đoàn kết trong đảng cho kết quả của cuộc bầu cử này như thế nào. Mặc dù vậy, người ta vẫn chưa rõ liệu hai chính trị gia này có thể hợp tác với nhau như đã cam kết hay không, nhất là khi nhiều nhân vật trong Ban Chấp hành DPJ cũng như trong nội các hiện nay thuộc phe chống ông Ozawa.

Bên cạnh đó, hai đối thủ trong cuộc đua tới chiếc ghế Chủ tịch DPJ lần này rất khó hợp tác với nhau bởi vì, họ có quan điểm hoàn toàn khác biệt về các chính sách kinh tế và ngoại giao. Về mặt kinh tế, trong khi ông Ozawa đề xuất chi 2.000 tỷ yên cho các công trình công cộng để tạo thêm việc làm và kích thích nền kinh tế, đồng thời kêu gọi can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà tăng giá của đồng yên, Thủ tướng Kan lại nhấn mạnh sự cần thiết phải khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính nước này. Các phát biểu của Thủ tướng Kan cũng cho thấy ông chưa sẵn sàng để can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Khác với ông Ozawa – người vẫn kêu gọi thực hiện các cam kết mà DPJ đã đưa ra trong cuộc bầu cử Hạ viện hồi cuối tháng 8/2009, trong đó có cam kết trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình nuôi con nhỏ và xóa bỏ lệ phí đường cao tốc, Thủ tướng Kan cho rằng DPJ cần xem xét lại một số cam kết này do tình trạng căng thẳng về ngân sách.

Về mặt chính sách ngoại giao, trong khi ông Ozawa kêu gọi xem xét lại thỏa thuận với Mỹ về vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa, Thủ tướng Kan lại cam kết tôn trọng thỏa thuận này và khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng trong chính sách ngoại giao của nước này.

Tương lai bất định

Tuy nhiên, kết quả bầu cử hôm qua không đồng nghĩa với việc đa số những người bỏ phiếu cho Thủ tướng Kan đều ủng hộ chính trị gia này. Nó chỉ cho thấy các đảng viên của DPJ không muốn chứng kiến sự thay đổi liên tục ở vị trí người đứng đầu Chính phủ trong lúc nước này vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như thiểu phát, đồng yên tăng giá bất thường, các tỷ lệ thất nghiệp và nợ công cao, dân số già và nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái kép.

Sau thắng lợi có phần may mắn này, nhiều khả năng Thủ tướng Kan sẽ tiến hành cải tổ nội các, trong đó Bộ trưởng Tư pháp Keiko Chiba, người đã thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện vào giữa tháng 7, có thể sẽ bị thay thế. Phát biểu sau khi được bầu lại làm Chủ tịch DPJ, Thủ tướng Kan cho biết ông vẫn chưa quyết định về việc thành lập nội các mới và cải tổ ban lãnh đạo của DPJ. Tuy nhiên, ông cũng nói bóng gió về khả năng thành lập nội các mới vào đầu tuần tới.

Hiện nay, mọi chú ý dồn vào việc Thủ tướng Kan có bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký Ozawa, người đang đứng đầu phái lớn nhất trong DPJ (có sự tham gia của khoảng 150 nghị sỹ), vào một vị trí quan trọng trong đảng hay trong nội các hay không. Trong các phát biểu trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Kan nhấn mạnh sự cần thiết phải điều hành DPJ và Chính phủ theo cách “trong sạch, công khai và minh bạch”. Vì vậy, nhiều khả năng ông sẽ không bổ nhiệm đối thủ của mình vào một chức vụ quan trọng nào đó trong nội các hoặc Ban Chấp hành DPJ bởi vì, ông Ozawa đang đối mặt với nguy cơ bị truy tố do vụ bê bối quỹ chính trị liên quan tới Rikuzankai - tổ chức quản lý quỹ chính trị của ông này, bất chấp việc trước đó hai ông đã có thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Nếu Thủ tướng Kan không bổ nhiệm bất cứ ai thuộc phái ủng hộ ông Ozawa vào các vị trí quan trọng trong đảng hoặc nội các, có khả năng cựu Tổng Thư ký DPJ sẽ ly khai khỏi đảng để thành lập đảng mới cùng với một số nghị sỹ trung thành. Trong trường hợp này, chắc chắn DPJ sẽ sụp đổ.

Phát biểu sau khi thắng cử, Thủ tướng Kan đã khẳng định không có kế hoạch giải tán Hạ viện để mở đường cho tổng tuyển cử trước thời hạn. Trên thực tế, khả năng giải tán Hạ viện là không cao bởi vì, liên minh cầm quyền vẫn đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện – cơ quan lập pháp quyền lực nhất trong Quốc hội Nhật Bản, trong khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) – đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản – cũng chưa chuẩn bị đầy đủ cho tình huống này. Nhiều khả năng DPJ sẽ tìm kiếm sự hợp tác từ phía các đảng đối lập theo từng vấn đề chính sách. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ không dễ dàng cho dù cuối tuần trước, tân Tổng Thư ký LDP Nobuteru Ishihara đã khẳng định nếu Thủ tướng Kan tái đắc cử, LDP có thể hợp tác với DPJ nếu hai đảng có chung quan điểm về các biện pháp nhằm khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN