Ở quận Baramka nhộn nhịp nằm giữa thủ đô Damascus, những âm thanh chát chúa phát đi từ xưởng sửa chữa ô tô gần công trường xây dựng tòa tháp đôi chọc trời đang dở dang. Kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra hai năm trước, công trường này trở thành nơi trú ngụ của của nhiều lao động chân tay tới từ các vùng ngoại ô phía nam và phía đông Syria.
Khói lửa nội chiến tàn phá nhiều thành phố của Syria. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Những khu vực tập trung nhiều nhất các xưởng sửa chữa và các gara nhỏ đó nay trở thành trận tuyến chính giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Wael Asfour là ông chủ của một gara rộng 40 m2 ở khu vực ngoại ô Herasta tập trung nhiều người lao động. Cơ sở của ông có 6 thợ đã bị thiêu rụi vì đạn pháo vào tháng 11 năm ngoái. Asfour nói rằng ông không có sự lựa chọn nào khác là phải chuyển đi, nhưng “nhờ có Chúa” mà một số khách hàng cũ nay đang trở lại.
Sau hơn hai năm xảy ra xung đột, các chủ doanh nghiệp ở Syria đang tìm cách gây dựng lại công việc làm ăn. Từ những lao động có tay nghề đến những người buôn bán, tất cả đều nghĩ đến việc bán các loại hàng hóa như quần áo và rau trên đường phố ở các khu dân cư giàu có và không có chiến sự ở thủ đô Damascus. Các thương hiệu nước ngoài như Benetton của Italia đã ngừng sản xuất quần áo ở Syria. Vì thế, những người kinh doanh chuyển sang bán các loại hàng hóa rẻ tiền ngoài đường phố ở Hamra, nơi từng là con phố thời trang của thủ đô. Khi các cửa hàng của họ bị phá hủy, tất cả đều phải bươn ra ngoài phố để nhọc nhằn kiếm sống.
Các chợ và cửa hàng tạp hóa ở thành phố phía bắc Aleppo, nơi từng là thủ đô kinh tế của Syria và nay là một chiến tuyến, cũng đã bị phá hủy và hoạt động kinh doanh được chuyển tới các khu dân cư thanh bình hơn ở phía tây. Nhiều người buôn bán bị mất cửa hàng đã biến vườn và nhà thành nơi bán hàng mới. Những người khác dựng lều, thậm chí bán hàng ngay trên ô tô. Osama Mualem, một người bán rau quả trên xe ô tô ở quận trung tâm Halab al-Jadida của Aleppo, nói rằng cửa hàng của ông đã bị đốt cháy và mọi người ai cũng phải ăn uống nên ông chọn mặt hàng này. Thậm chí, ở những thành phố như Sakhour, Salah ed-Din, Bustan al-Qasr, nơi toàn bộ các tòa nhà bị san bằng, những người bán thịt và bán hoa quả rong đã phải nghỉ bán hàng trong nhiều tháng nay đã đi bán trở lại.
Các thương nhân, quan chức và những người buôn bán lớn nói rằng sự giàu có của đất nước trước cuộc nội chiến đã giúp tránh được nạn đói và giúp duy trì các dịch vụ cơ bản trong suốt hai năm qua. Chính phủ Syria đã không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu ở các khu vực do chính phủ kiểm soát. Chính phủ nước này đã tăng nhập khẩu gạo, đường và lúa mỳ và bán lại với mức giá được hỗ trợ. Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Syria Zafir Muhabik cho biết, bánh mỳ được trợ giá ở nước này rẻ hơn bất kỳ đâu trong khu vực.
Tuy nhiên, một số hãng dệt lớn từng là nguồn thu ngoại tệ mạnh quan trọng của Syria trước nội chiến đã chuyển nhà máy ở nước ngoài tới các nước khác như Ai Cập. Ở Aleppo, nơi ngành dược phẩm từng phát triển, các dây chuyền sản xuất của hãng dược ALPHA tiếp tục hoạt động, song với công suất thấp hơn. Tình trạng chảy máu chất xám cũng đang diễn ra, khi những lao động có kỹ năng hoặc đang lánh nạn ở các nước láng giềng hoặc gia nhập đội ngũ lao động nhập cư giá rẻ ở Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Hàng tỷ USD vốn đã bốc hơi theo các thương nhân gần như khiến Syria rơi vào tình trạng khát đầu tư trong hai năm qua.
Nhà tư bản công nghiệp và là Phó Chủ tịch Phòng công nghiệp Damascus Essam Zamrick cho rằng chiến tranh sớm muộn cũng sẽ kết thúc, song kinh tế Syria có thể phục hồi hay không là phụ thuộc vào mức độ thiệt hại đến đâu.
Lê Minh