Mỹ có chiêu tấn công mới vào hàng giả Trung Quốc

Nhằm ngăn chặn hàng giả hàng nhái Trung Quốc, cơ quan chấp pháp Mỹ không chỉ thực hiện các chiến dịch truy quét, mà gần đây còn tìm cách “điệu hổ li sơn”, đưa kẻ phạm tội từ Trung Quốc sang Mỹ để quy án.


Trường hợp “điệu hổ li sơn” thành công gần đây nhất là vào tháng 10/2012. Cảnh sát nằm vùng của Mỹ đã phải mất gần 6 năm để dẫn dụ Hàn Băng, một doanh nhân Hoa kiều, quốc tịch New Zealand, 43 tuổi, chuyên xuất khẩu Viagra giả, sang Mỹ để tiến hành bắt giữ.


Vụ án bắt đầu từ năm 2006, khi cảnh sát California bắt giữ một lô hàng thuốc tráng dương Viagra của Mỹ và Cialis của Đức bị làm giả, đi sâu điều tra phát hiện lô hàng này đến từ công ty của Hàn Băng ở miền nam Trung Quốc.


Cán bộ công thương Trung Quốc giúp người dân cách phân biệt hàng giả hàng thật. Ảnh: Internet.


Sau khi thiết lập mối quan hệ với Hàn Băng qua các trang bán hàng trực tuyến, cảnh sát nằm vùng đã phải mất hơn 5 năm để làm Hàn Băng lơ là cảnh giác thông qua việc đặt mua tổng cộng gần 20.000 viên Viagra, trị giá hơn 200.000 Nhân dân tệ.


Cuối cùng, cảnh sát nằm vùng đã dẫn dụ thành công Hàn Băng bay từ Hong Kong (Trung Quốc) sang thành phố San Francisco để bắt giữ rồi đưa về thành phố Los Angles xét xử, buộc Hàn Băng phải chịu mức án 18 tháng tù giam và nộp 200.000 USD tiền phạt. Trước đó, vào tháng 6/2012, một công dân Trung Quốc khác có tên là Lâm Hiểu Vĩ cũng đã bị bắt tại bang Miami ở bờ đông nước Mỹ vì tội buôn lậu thuốc lá Marlboro và thuốc tráng dương giả.


Cảnh sát Mỹ đã đóng giả khách hàng lớn, dụ Lâm Hiểu Vĩ sang Mỹ du lịch tiện thể gặp mặt khách hàng đàm phán chuyện kinh doanh lâu dài. Rốt cuộc, cái mà Lâm Hiểu Vĩ nhận được tại Mỹ không phải là món hời khổng lồ từ việc buôn lậu mà là chiếc còng số 8 và những năm tháng ngồi bóc lịch trong nhà đá.


Luật sư Đặng Hồng tiết lộ với tờ Tin tức Thế giới rằng vào tháng 2/2012, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thiết lập một cơ quan thương mại liên ngành chuyên xử lý các hành vi thương mại không công bằng. Từ đó đến nay đã có mấy chục người Trung Quốc bị bắt tại Mỹ vì liên quan tới các vụ án đưa hàng giả hàng nhái từ bên ngoài vào tiêu thụ ở thị trường Mỹ.


Khởi nguồn các vụ án này từ việc phát hiện hàng giả ở thị trường Mỹ. Sau khi bắt giữ người bán, cơ quan chấp pháp địa phương liền thông báo cho chính quyền liên bang. Bước tiếp theo là cơ quan chấp pháp liên bang yêu cầu người bị bắt giới thiệu nhà cung cấp và giúp đỡ cảnh sát nằm vùng xây dựng mối liên hệ với nhà cung cấp. Do hợp tác tích cực với cảnh sát, người bị bắt trở thành “nhân chứng tì vết” và tội của họ có thể được xóa hoặc giảm nhẹ do đứng ra làm chứng tại cơ quan công tố. Bước cuối cùng là cảnh sát nằm vùng bố trí kế hoạch dẫn dụ nhà xuất khẩu hàng giả từ Trung Quốc sang Mỹ để thực hiện lệnh bắt giữ. Hiện nay, đa số nghi phạm bị bắt ở Los Angles, San Diego, Las Vegas và New York. Một số nghi phạm do không thể xin visa vào nội địa Mỹ, nên khi làm kế hoạch, cảnh sát đã bố trí cho đến đảo Saipan cũng thuộc lãnh thổ Mỹ.


Theo luật sư Đặng Hồng, cách làm này của Mỹ là nhằm “giết gà dọa khỉ”. Trước đây, do đại đa số các nhà sản xuất hàng giả Trung Quốc bán tại thị trường Mỹ ở nước ngoài, cho nên, Chính phủ Mỹ không có cách nào để họ quy án theo pháp luật Mỹ.


Hiện nay, cơ quan chấp pháp liên bang sử dụng kế điệu hổ li sơn, dẫn dụ nghi phạm đến Mỹ để tiến hành bắt giữ. Nghi phạm có thể bị tòa án xét xử về tội rửa tiền, đồng phạm hay buôn lậu với mức án lên tới trên 10 năm tù giam, khiến cho những kẻ “cùng ngành” sợ hãi, từ đó giảm bớt hoặc ngăn chặn nguồn hàng giả đưa vào thị trường Mỹ.



Minh Thành

Mỹ đóng cửa 132 trang web bán hàng giả
Mỹ đóng cửa 132 trang web bán hàng giả

Chính quyền Mỹ thông báo đóng cửa 132 trang web bị cáo buộc kinh doanh và buôn bán hàng giả, hàng nhái vi phạm luật bảo hộ bản quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN