Ngày 16/8, ác bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ vừa vui mừng thông báo rằng quả thận lợn mà họ cấy ghép vào cơ thể của một bệnh nhân chết não vẫn hoạt động bình thường trong hơn một tháng. Đây là một dấu hiệu đầy hứa hẹn trong nỗ lực giải quyết vấn đề hiến tạng cứu người ngày nay.
Các bác sĩ tại Viện Cấy ghép Langone thuộc Đại học New York chia sẻ cột mốc quan trọng này là khoảng thời gian lâu nhất mà một quả thận lợn hoạt động được trên cơ thể người, mặc dù đó là một người đã chết não.
Ông Robert Montgomery, giám đốc viện nghiên cứu trên cho biết kết quả đó đem đến sự đảm bảo chắc chắn hơn nữa cho bất kỳ nghiên cứu nào trong tương lai ở những bệnh nhân còn sống. Quả thận lợn được sử dụng để cấy ghép đã trải qua quá trình biến đổi gien để loại bỏ gien tạo ra các phân tử sinh học mà hệ thống miễn dịch của con người tấn công và từ chối tiếp nhận.
“Hiện chúng tôi đã thu thập thêm bằng chứng cho thấy rằng, ít nhất là ở thận, chỉ cần loại bỏ gien kích hoạt thải ghép cấp tính là đủ để quản lý thành công ca cấy ghép ở người”, bác sĩ Montgomery nói.
Các nhà khoa học hy vọng rằng cấy ghép giữa các loài khác nhau có thể giúp mang lại tia hy vọng cho nhiều bệnh nhân hơn. Trên 103.000 người ở Mỹ đang cần cấy ghép nội tạng và 88.000 người trong số họ cần ghép thận. Hàng ngàn người đã tử vong mỗi năm trong lúc chờ được ghép tạng.
Ngày 14/7 vừa qua, ông Maurice “Mo” Miller đã được ghép một quả thận lợn sau khi đột ngột qua đời vì chết não ở tuổi 57. Thi thể của ông đã được gia đình hiến tặng cho nghiên cứu khoa học.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi thí nghiệm này khi nó bước sang tháng thứ hai.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang cân nhắc về vấn đề cho phép tiến hành các nghiên cứu nhỏ về tim và thận lợn trên cơ thể các bệnh nhân tình nguyện hay không.
Cũng trong ngày 16/8, Đại học Alabama tại Birmingham cũng báo cáo về việc một cặp thận lợn đã hoạt động bình thường trong một cơ thể người hiến tặng khác được bảy ngày.