Ông Shunsuke Watarai và vợ là bà Kikuyo hiện sống cùng nhau ở thành phố Nagoya, miền Trung Nhật Bản. Họ gặp nhau khi mới ngoài 30 tuổi qua một người quen. Ông cho biết hai người cảm mến nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng tình yêu của họ bị cản trở vì định kiến từ gia đình và xã hội cho rằng người khuyết tật không nên tìm hạnh phúc lứa đôi.
Ông Watarai và bà Kikuyo sau đó cùng tham gia một nhóm thanh niên thiểu năng trí tuệ liên kết với Hiệp hội Hỗ trợ cha mẹ có con thiểu năng trí tuệ. Họ thường tổ chức các chuyến đi dã ngoại và học nhóm cùng nhau. Theo ông, thông qua các hoạt động hội nhóm, họ học hỏi được nhiều điều mới, từ đó giúp họ vượt qua mặc cảm bản thân và tự tin hơn trên hành trình đi tìm hạnh phúc.
Nhiều năm trôi qua, khi cha mẹ đã tuổi cao sức yếu và bản thân họ cũng cần được chăm sóc nhiều hơn, ở tuổi ngũ tuần, hai người bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc việc về chung một nhà để hỗ trợ, đỡ đần nhau. Vào thời điểm đó, bà Kikuyo sống ở một cơ sở chăm sóc người khuyết tật, còn ông Watarai nhận được sự hỗ trợ của một cơ quan phúc lợi xã hội.
Khi ông Watarai và bà Kikuyo thông báo ý định kết hôn, gia đình hai bên và các nhân viên phúc lợi đều phản đối do cho rằng hai người khuyết tật không thể chung sống. Tuy nhiên, khi chứng mất trí nhớ của mẹ bà Kikuyo trở nên tồi tệ hơn, ông Watarai bắt đầu hỗ trợ bà chăm sóc mẹ. Tình yêu và sự chăm sóc của hai người dành cho nhau dần dần đã thay đổi suy nghĩ và định kiến của những người xung quanh. Mong muốn ở bên nhau của họ được nhiều người ủng hộ.
Hai người kết hôn vào ngày 22/11 năm ngoái - ngày sinh nhật lần thứ 62 của ông Watarai và cũng là ngày đẹp để kết hôn theo quan niệm của người Nhật Bản. Tháng 2 năm nay, họ chính thức thông báo về hôn sự tại một lễ kỷ niệm có sự chứng kiến của hơn 30 người và nhận được nhiều lời chúc phúc.
Ông Naoko Nagata, tuổi, cựu thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Hỗ trợ cha mẹ có con thiểu năng trí tuệ, người hỗ trợ tư vấn pháp lý cho ông Watarai và bà Kikuyo trong hơn một thập niên, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng sự kiên trì của hai người, cùng quyết tâm của họ đã lay động những người xung quanh, và cuối cùng đã thay đổi suy nghĩ của gia đình và những người hỗ trợ họ".
Hai vợ chồng hiện sống trong một căn hộ chung cư ở thành phố Nagoya cùng với mẹ của bà Kikuyo. Mỗi tuần một lần có 1 nhân viên từ cơ quan phúc lợi cho người khuyết tật đến hỗ trợ họ.
Ông Watarai làm lao công tại cơ quan cấp nước của thành phố, còn bà Kikuyo làm công nhân nhà máy. Tiền lương và tiền trợ cấp xã hội hằng tháng giúp họ trang trải cuộc sống.
Kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin Kyodo thực hiện vào đầu năm nay cho thấy gần 70% số cha mẹ có con khuyết tật mong muốn có một hệ thống hỗ trợ vấn đề hôn nhân và sinh nở cho con cái họ.