Ngồi trước máy tính văn phòng, Tangdaoyaxiaohong đang lướt nhẹ những ngón tay trên màn hình điện thoại, “thắp sáng” ba cây nhang kỹ thuật số và bắt đầu gõ từng tiếng mõ được cài đặt sẵn trong iPad. Tay trái của Tang đang bận xoay chuỗi hạt trên đồng hồ kỹ thuật số.
Đăng đoạn video về việc tụng kinh trực tuyến trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, Tangdaoyaxiaohong cho biết đây là thời điểm cô cảm thấy lòng được an yên.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), hiện có hàng triệu người Trung Quốc rất ưa chuộng việc cúng bái kỹ thuật số như Tang. Ứng dụng Cá gỗ — một phiên bản trực tuyến của chiếc mõ trong các đền chùa Trung Quốc — trở nên phổ biến kể từ khi ra mắt vào tháng 9/2022. Chỉ trong 1 tháng sau khi ra mắt, ứng dụng này đã nhận được hơn 4 triệu lượt tải về.
Xu hướng thờ cúng kỹ thuật số nở rộ song song cùng với sự quan tâm trở lại việc đi chùa trong giới trẻ Trung Quốc những năm gần đây.
Các đền chùa Trung Quốc cũng tìm đến công nghệ kỹ thuật số để phục vụ cho số lượng phật tử trẻ ngày càng tăng của mình. Những đổi mới như hòm công đức thông minh được cài đặt ở nhiều ngôi đền, giúp các phật tử dễ dàng quyên góp tiền chỉ bằng cách quét mã QR.
Người dùng Douyin Xiaweiweiyang cho biết cô đã chụp lại các mã QR quyên góp của một ngôi chùa để cô có thể quyên góp tiền bất cứ khi nào cảm thấy cần cúng dường.
Ngôi đền Jingfeng ở tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc thậm chí đã chuyển sang sử dụng nhang kỹ thuật số. Bất cứ ai muốn đốt một nén hương để cầu xin phù hộ từ thần thánh giờ đây có thể quét mã QR trên màn hình với giá 8,8 nhân dân tệ (30.000 đồng).
Nhiều người trẻ cho rằng việc trực tiếp đến đền chùa có thể gây bất tiện vì nhiều lúc phải xếp hàng dài chờ đợi và thậm chí còn phải giành vé mới được vào chùa. Họ giải thích chỉ bằng điện thoại thông minh, họ có thể cầu xin các vị thần mọi lúc mọi nơi.
Một cư dân mạng chia sẻ: “Bạn có thể nhập bất cứ thứ gì vào ô ước nguyện của ứng dụng và thoải mái thiết lập số lượng nhang bạn muốn đốt. Bên cạnh đó, những ứng dụng như này rất thân thiện với môi trường”.
Không chỉ dừng lại ở việc công đức, cầu may, giới trẻ Trung Quốc còn tham gia vào các hoạt động tâm linh trên mạng như chuyển tiếp hình ảnh của cá Koi, một loài cá tốt lành trong văn hóa Trung Quốc.
Gần đây nhất, một số người dùng còn kết hợp ứng dụng sao chép hình ảnh cá Koi và phóng sinh chúng bằng cách thả ảnh vào các biểu tượng sông trên các ứng dụng bản đồ.