Sau khi gặp tai nạn khi thi đấu tại ASIAD 2018, nằm trên giường bệnh với nụ cười trên môi, Hozoori chỉ phàn nàn rằng các huấn luyện viên của cô không cho phép cô đứng dậy và tiếp tục chơi dù. Phản ứng của VĐV này có thể gây ngạc nhiên đối với nhiều người song nếu xét đến môi trường nơi cô luyện tập hằng ngày, nó trở nên không quá khó hiểu.
Tại Afghanistan, do vấn đề an ninh, các vận động viên dù lượn thường chỉ có thể tập luyện trong khu vực Kabul và đôi khi sẽ được cảnh sát hộ tống để khám phá những khu vực mới bên ngoài thủ đô. Tuy nhiên, ở đất nước vẫn còn chiến tranh này, những người dân đôi khi nhầm tưởng những vận động viên dù lượn là những lính phi công và tấn công họ bằng cách ném đá.
Chia sẻ với báo giới, Hozoori cho biết: "Dù lượn không nguy hiểm đến thế vì khi bạn bay bạn hoàn toàn kiểm soát được nó. Ở Afghanistan, nó có chút nguy hiểm. Có những ngọn núi đẹp nhưng thật không may vì tình hình bất ổn, chúng tôi không thể đến đó".
Ngoài tình yêu với môn dù lượn, điều quan trọng hơn với Hozoori là thông điệp mà cô muốn gửi đến người dân Afghanistan, nơi phụ nữ bị Taliban cấm luyện tập thể thao. Hozoori chia sẻ: "Là nữ vận động viên dù lượn đầu tiên, tôi muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác, để họ có thể quên đi những cuộc chiến và có thể chơi thể thao. Bất kể là taekwondo, thể dục dụng cụ hay bóng chuyền -- tôi chỉ mong phụ nữ bay lên".
Hozoori cũng kể về phản ứng của các vận động viên nước ngoài khi biết Afghanistan cũng tham gia thi đấu môn dù lượn: "Khi chúng tôi đến Indonesia, mọi người ở đây không thể tin chúng tôi là người Afghanistan. Họ sẽ hỏi: "Làm thế nào bạn có thể lượn dù ở một đất nước toàn xung đột như vậy?". Hozoori cho biết: "Khi mọi người nghĩ đến Afghanistan, họ nghĩ đến chiến tranh và xung đột. Họ nghĩ đến Taliban". Nhưng "nhiều thứ đang thay đổi. Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng chúng tôi có thể bay lên".
Đồng đội của Hozoori - Navid Popal, là người thành lập Liên đoàn các môn thể thao trên không của Afghanistan sau nhiều năm thuyết phục Chính phủ Afghanistan rằng các chiếc dù luyện tập sẽ không bị rơi vào tay các phiến quân.
Sau khoảng 1 năm thành lập, liên đoàn này hiện đã có 120 thành viên, trong đó có 25 thành viên nữ. Các thành viên thường xuyên chia sẻ các thiết bị và tìm cách gây quỹ để giúp môn thể thao "xa xỉ" này dễ tiếp cận hơn.
Cũng đến Indonesia tham gia ASIAD 2018, chia sẻ với báo giới, Popal nhắc lại những "kỷ niệm" khó quên khi phải đối mặt với những người dân thường mang đá ra để đe dọa "người bay" mà họ chưa từng thấy trước đây. Popal cho biết: "Ban đầu, họ nghĩ tôi không phải người Afghanistan. Hoặc họ nghĩ tôi thuộc không quân, hoặc đến từ Mỹ, hoặc NATO".
ASIAD 2018 là kỳ Á vận hội đầu tiên đưa dù lượn vào nội dung thi đấu. Là môn thể thao chủ yếu dựa vào kỹ năng điều khiển dù, các VĐV phải lao ra từ một sườn đồi có độ cao 1.250 mét bằng một chiếc dù và bay lượn trên không 1,2 km trước khi tiếp đất trên một bệ hạ cánh có bán kính 5 mét.
Ban tổ chức Indonesia sắp xếp thi đấu bộ môn thi đấu cảm giác mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro này tại vùng cao nguyên phía Tây đảo Java.
Trong ngày thi đấu 23/8, ngoài Hozoori, một vận động viên khác của Trung Quốc là Wang Jianwei cũng bị chấn thương sau khi chiếc dù của anh bất ngờ gập lại khi anh đang ở độ cao 20 mét.