1. Nếu thế hệ những Quang Hải, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Công Phượng... đã và đang tạo tiền đề, thậm chí là một diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam ở các cấp độ đội tuyển quốc gia (ĐTQG) suốt hơn 4 năm qua, thì dường như lứa kế cận lại tạo cảm giác hụt hơi.
Nhìn hình ảnh đội trưởng Maya Yoshida gục đầu xuống đầy thất vọng, dưới sự chứng kiến của hơn 4 vạn khán giả chủ nhà ở Saitama, chúng ta có thể hiểu Nhật Bản không hề “buông” trận đấu vốn được coi là thủ tục này. Sự thực là ngoài yếu tố may mắn khi Nhật Bản áp đảo về tỷ lệ cầm bóng (72,4%) và dứt điểm (24 - 1), thầy trò HLV Park Hang-seo cũng áp dụng chiến thuật hợp lý cùng lối chơi rất quả cảm.
Nhưng ngay cả trận hòa 1 - 1 đáng khích lệ ấy cũng chỉ có ý nghĩa về tinh thần, chứ không thể tác động đến cục diện. Chúng ta vẫn là đội đứng cuối bảng B vòng loại thứ ba khu vực châu Á với vỏn vẹn 4 điểm, và World Cup vẫn chỉ là giấc mơ ngoài tầm với. Và nên nhớ, đó là thành tích của thế hệ vàng thực sự của bóng đá Việt Nam kể từ ngày hội nhập.
Bốn năm nữa, lứa Quang Hải - Công Phượng sẽ bước vào độ tuổi băm. Có thể họ sẽ vẫn sẽ là trụ cột của đội tuyển Việt Nam trong hành trình tìm kiếm tấm vé dự vòng chung kết World Cup 2026, nhưng không thể kỳ vọng quá nhiều. Đội tuyển Việt Nam sẽ cần nhiều hơn từ thế hệ kế cận, những người vừa thi đấu ở U23 Dubai Cup, và sắp tới là SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á 2022. Họ cần phải chung vai trong những kế hoạch giàu tham vọng hơn, trong đó có việc phải có mặt ở vòng loại thứ ba, như những đàn anh.
Đội U23 Việt Nam do HLV Đinh Thế Nam dẫn dắt vừa vô địch U23 Đông Nam Á. Đó là một thành tích đáng khích lệ, song cũng phải thừa nhận rằng đây là một giải đấu mà các đội bóng mạnh của khu vực không mấy hào hứng. Trước đó, U23 Việt Nam chỉ thắng tối thiểu những đối thủ dưới cơ là U23 Myanmar và U23 Đài Loan ở vòng loại U23 châu Á 2022. Tại giải đấu giao hữu U23 Dubai Cup, lứa U23 này không thắng trận nào (2 hòa, 1 thua), và thậm chí không ghi nổi bàn thắng nào.
2. Một nền bóng đá không chỉ trông chờ vào một thế hệ, mà luôn cần phải phát triển những lứa cầu thủ trẻ hơn, tài năng không kém thậm chí còn trội hơn cả các đàn anh. Lấy bóng đá Thái Lan là một minh chứng: Sau thế hệ Kiatisuk, Dusit là Thonglao, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmatham, Chanathip Songkrasin, và tương lai của Voi chiến là những Suphanat Mueanta, Thanawat Seungchithawon, Ben Davis.
Bóng đá Việt, dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng có thể khái quát được ba thế hệ nối tiếp nhau, theo đúng “lộ trình” phát triển như thế. Từ lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng đã giúp đội tuyển Việt Nam gây ấn tượng sau khi hội nhập, cho đến lứa Tài Em, Minh Phương, Công Vinh, với chiến tích vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008, và lứa Thường Châu 2018 thành công hơn hết thảy khi thống trị khu vực và vươn tầm châu Á.
Nhưng, có vẻ như cái bóng của thế hệ Thường Châu là quá lớn, và lứa đàn em của họ như Dụng Quang Nho, Nguyễn Hữu Thắng, Võ Nguyên Hoàng,… chưa có ai bứt lên được hẳn để có thể sánh với những đàn anh. Ngay chính HLV Park Hang Seo cũng chưa trao nhiều cơ hội vào thế hệ trẻ mà vẫn tin nhiều vào các trò ruột, dù không ít người không còn giữ được phong độ.
Nỗi lo thế hệ, vì thế, vẫn còn rất lớn.