Sự việc bắt nguồn từ trận đấu giữa U15 Thanh Hóa và U15 Hà Nội tại vòng loại Giải bóng đá U15 quốc gia 2017. Trong một pha ăn mừng thái quá của một cầu thủ U15 Hà Nội dẫn đến cuộc cãi vã không thương tiếc giữa ban huấn luyện hai đội bóng. “Cái sảy nảy cái ung”, sự việc trở nên phức tạp khi ban lãnh đạo hai trung tâm bóng đá trẻ vào cuộc, kiện cáo lẫn nhau.
Câu lạc bộ Hà Nội tố cáo huấn luyện viên của U15 Thanh Hóa dọa “cắt gân” một cầu thủ gốc Thanh Hóa đang thi đấu cho U15 Hà Nội (người đã ghi bàn vào lưới U15 Thanh Hóa). Còn Câu lạc bộ Thanh Hóa thì đưa ra bằng chứng (giấy khai sinh) việc hai cầu thủ Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà là anh em sinh đôi, từng được đào tạo ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Thanh Hóa với hồ sơ sinh năm 2000, chứ không phải năm 2002 như đội U15 Hà Nội đăng ký tại Giải bóng đá U15 quốc gia năm nay.
Sự việc đã buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào cuộc và cuối cùng, bố của hai cầu thủ Lê Sỹ Hồng và Lê Sỹ Hà là ông Lê Sỹ Thước thừa nhận đã làm lại giấy khai sinh cho hai con ít đi hai tuổi (sinh năm 2002). Đến thời điểm này, VFF vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu sự việc đúng như những gì mà bố của hai cầu thủ thừa nhận, thì Câu lạc bộ Hà Nội vi phạm nghiêm trọng điều lệ giải và chắc chắn sẽ bị xử phạt nặng dù đã giành vé vào chơi vòng chung kết.
Sự việc trên một lần nữa cho thấy tình trạng gian lận tuổi, chạy theo thành tích đang là một vấn nạn, làm xấu hình ảnh bóng đá Việt Nam. Ban kỷ luật của VFF cho biết, sẽ làm sáng tỏ sự gian dối trên xuất phát từ phía gia đình hai em Hồng và Sỹ, hay từ phía Câu lạc bộ Hà Nội? Có thể, đội U15 Hà Nội không biết việc làm của gia đình hai cầu thủ này khi còn ở lò đào tạo Thanh Hóa, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, người lớn đã làm hại trẻ em chính từ hành động gian dối của mình.
Tuy nhiên, theo dư luận, thì dù trách nhiệm thuộc về ai chăng nữa, thì tương lai của hai cầu thủ trẻ Hồng và Sỹ chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Theo quy chế của VFF, vận động viên khai gian tuổi sẽ bị cấm thi đấu ít nhất từ 1 đến 5 năm, huấn luyện viên bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm, câu lạc bộ có đội bóng vi phạm sẽ bị phạt 25 - 50 triệu đồng. Thực tế, các trường bị phát hiện gian lận tuổi trong bóng đá Việt Nam, phần lớn đều đứt gánh giữa đường và không có cầu thủ nào theo đuổi được sự nghiệp “quần đùi áo số”.
Từ vụ việc vừa nêu cho thấy, rất cần một cuộc điều tra tổng thể, rà soát lại toàn bộ tuổi các cầu thủ tại trung tâm đào tạo trẻ trong cả nước để những sự việc tương tự không còn xảy ra. Bởi những đứa trẻ đam mê bóng đá không đáng phải gánh chịu hậu quả từ những động cơ không trong sạch của người lớn.