Trong 4 tuần mùa Hè năm 2006 khi đăng cai Vòng chung kết giải Vô địch bóng đá thế giới – World Cup, nước Đức đã phô diễn được tất cả những mặt tốt đẹp nhất của mình. Một đất nước đã khắc cốt ghi tâm khẩu hiệu "Thời cơ để kết bạn" vào tháng 6 và tháng 7/2006, một đất nước mang tính quốc tế, thân thiện và vui vẻ.
Đó ít nhiều là "câu chuyện cổ tích mùa Hè" hay "Sommermärchen" của World Cup 2006 đã đi vào lịch sử nước Đức. Hoặc có thể là một phiên bản hơi lãng mạn hóa đã được Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) quảng bá. Tuy nhiên, 18 năm sau, khi Đức đăng cai Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2024, câu hỏi phổ biến nhất là: “Liệu EURO lần này có thể là câu chuyện cổ tích mùa Hè thứ hai?”
Nhà viết kịch và tác giả Dagrun Hintze, người đã viết một tuyển tập tiểu luận về các khía cạnh văn hóa và giới tính của bóng đá, cho rằng: "Một nét đặc trưng Đức là luôn hướng mình về quá khứ. Người Đức đặc biệt không thích thay đổi. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi không cần bây giờ là lại một lần nữa say sưa ngây ngất và tự mê đắm với quá khứ tuyệt vời năm 2006. Đơn giản là vì tình thế bây giờ đã khác, và cần phải nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế. Điều quan trọng trong năm 2024 là làm sao để đưa mọi người quay lại với nhau".
EURO 2024 đã diễn ra ở một đất nước mà sự gắn kết xã hội đang suy giảm, nơi cư dân ngày càng bị phân cực và các bộ phận nhỏ trong xã hội thấy mình bị chia rẽ với nhau một cách không thể hòa giải. Vì những lý do này, giải EURO 2024 đã diễn ra vào đúng thời điểm nhà sử học và Giáo sư thể thao tại Đại học Thể thao Đức Cologne, Jürgen Mittag, thậm chí còn mô tả như một "câu chuyện cổ tích mùa Hè nho nhỏ". Ông nói: “Tâm trạng ở Đức chắc chắn tích cực hơn so với trước khi diễn ra EURO 2024. Đối với nhiều người Đức, cũng như đối với nhiều du khách nước ngoài, EURO là một bữa tiệc lớn nơi họ cùng nhau ăn mừng. Những nỗi sợ hãi, như lo ngại về an ninh, đã không xảy ra. Có thể người Đức đã xích lại gần nhau hơn một chút".
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức Julian Nagelsmann cũng muốn đóng góp phần mình. Người đàn ông 36 tuổi này đã có bài phát biểu đầy nhiệt huyết kêu gọi sự gắn kết xã hội nhiều hơn, nói rằng sự hợp tác và tình bạn thân thiết của đội tuyển quốc gia phải là hình mẫu cho xã hội.
Giáo sư Mittag nói: “Bóng đá đã trở thành tâm điểm thảo luận của công chúng. Điều này có nghĩa là ngay cả một huấn luyện viên bóng đá cũng có thể có tác động vượt ra ngoài giới hạn của môn thể thao này và có thể sử dụng vai trò và vị trí của mình một cách có chủ ý để thúc đẩy một số vấn đề xã hội nhất định”.
Một điều tích cực rút ra từ EURO là hầu hết người Đức một lần nữa lại ủng hộ đội tuyển quốc gia, bất chấp, hoặc có lẽ là vì sự ra đi không may mắn sau trận tứ kết với Tây Ban Nha, và sự đoàn kết nhờ cùng nhau "gặm nhấm nỗi buồn".
Tuy nhiên, tác giả Dagrun Hintze tin rằng bóng đá không phải chủ yếu là chiến thắng mà là câu chuyện cùng thắng – cùng thua. Nếu bỏ qua những tiếng huýt sáo đáng xấu hổ mà cổ động viên Đức nhắm vào hậu vệ người Tây Ban Nha Marc Cucurella trong trận bán kết với Pháp, thì Đức đã gây ấn tượng tốt tại EURO 2024: Các sân vận động chật kín người, bầu không khí tuyệt vời tại các fanzone, các hoạt động hàng ngày suôn sẻ trong thời gian diễn ra giải đấu, đợt triển khai quân lớn nhất mà cảnh sát liên bang từng thực hiện với 22.000 cảnh sát trực mỗi ngày. Người hâm mộ nước ngoài đã chứng kiến một đất nước yêu bóng đá đến từng hơi thở - trái ngược với World Cup khá "ảm đạm" ở Qatar cách đây 2 năm.
Tác giả Hintze kết luận: "Giờ đây, không chỉ chúng tôi mà cả châu Âu đều biết tình hình cơ sở hạ tầng ở Đức đang như thế nào, từ dịch vụ đường sắt đến năng lực khách sạn cho đến công tác tổ chức. Người hâm mộ ở đây nhận ra rằng, rõ ràng là Đức không phải quốc gia nơi mọi thứ đều hoạt động trơn tru. Tôi nghĩ EURO đã khiến người Đức chúng tôi nhân đạo hơn một chút về cách người khác nhìn nhận về chúng tôi. Mọi người đến đây đã nhận ra rằng, hoá ra 'nước Đức không thực sự có tất cả như chúng ta vẫn nghĩ'. Và có lẽ điều này khiến nước Đức trở nên thân thiện hơn một chút".