Hơn 1.000 tình nguyện viên được tuyển chọn gắt gao từ 12 thành phố của Nga sẽ tham gia vào công tác chỉ dẫn, hỗ trợ cho tất cả các CĐV nước ngoài tới Nga xem bóng đá.
Được được khoác lên màu áo cam tình nguyện không phải là chuyện đơn giản, khi họ phải trả qua những vòng kiểm tra nghiêm ngặt nhất.
Không phải cứ đăng kí là được
Từ các góc sân bay, tới các điểm du lịch, các điểm chờ xe buýt, tàu điện ngầm, cho tới các fanzone và cổng 2 sân vận động Luzhniki và Spartak Moskva, đâu đâu bạn cũng có thể nhìn thấy những thanh niên mặc áo cam, sau lưng có dòng chữ "Volunteer". Đó là các tình nguyện viên được chính quyền Nga huy động phục vụ cho công tác World Cup 2018. Họ đều rất trẻ, là các học sinh và sinh viên thuộc 12 thành phố diễn ra các trận đấu của World Cup 2018. Theo thống kê, nước Nga có tới hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ đợt World Cup này.
Điều đáng nói, để được làm tình nguyện viên không phải dễ dàng. Trước tiên, cần phải nộp đơn đăng kí, sau đó trải qua 3 vòng phỏng vấn và cuối cùng, những người được chọn sẽ được gửi đi đào tạo một khóa tiếng Anh khoảng 3 tháng trước khi chính thức được cấp thẻ tình nguyện viên.
"Chúng em coi World Cup 2018 là một giải đấu lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại nước Nga nên cũng muốn làm một cái gì đó để được đóng góp cho sự kiện này", Larisa, một sinh viên, được phân công làm công tác tình nguyện viên ở sân bay Domodedovo cho biết.
Tất nhiên, đã làm tình nguyện viên thì không có thù lao. Họ chỉ được hỗ trợ trang phục, điện đàm, các bữa ăn trong ngày. Nhưng cái lợi mà các tình nguyện viên có được lại chính là khả năng giao tiếp tiếng Anh được cải thiện lên rất nhiều. "Ở các trường học của Nga, tiếng Anh ít được sử dụng. Vì thế tham gia tình nguyện là cơ hội để chúng em cải thiện thêm tiếng Anh", Larisa nói thêm.
Không được quay phim, chụp ảnh phải xin phép
Có một quy định khá nghiêm với các tình nguyện viên là họ không được phép trả lời báo chí. Bởi vậy, để phỏng vấn bất cứ một tình nguyện viên nào là điều rất khó. "Đó là quy định và chúng em không thể trả lời phỏng vấn trong ca làm việc. Không chỉ chúng em, lực lượng an ninh và bảo vệ cũng vậy", Maria, tình nguyện viên ở cạnh sân Luzhniki, nói.
Không thể tiếp xúc với tư cách phóng viên, chúng tôi đành vào vai một CĐV nước ngoài vừa đến sân bay và nhờ được chỉ dẫn. Các tình nguyện viên ngay lập tức rất cởi mở. Họ mách nước là không nên mua sim điện thoại và đổi tiền ở sân bay vì giá cao. Họ chỉ cho cách làm sao về trung tâm thành phố rẻ nhất và nhanh nhất, hay như việc thuê phòng sao cho kinh tế nhất...
Tuy nhiên, khi được đề nghị chụp chung một kiểu ảnh, nhiều người trong số đó lắc đầu. "Chúng em có được phép chụp ảnh, nhưng cần phải được phép", Larisa nói. Sau đó, cô dùng điện đàm gọi cho người phụ trách. Được đồng ý, cả nhóm hớn hở xếp hàng tạo dáng. Lúc đó, trông họ thực sự nhí nhảnh và đáng yêu.
Theo lý giải của Maria thì việc các tình nguyện viên không được phép trả lời phỏng vấn truyền thông chỉ đơn thuần là bởi họ không muốn bị ảnh hưởng tới nhiệm vụ chỉ dẫn, phục vụ trong đợt World Cup này. "Chúng em chỉ muốn làm tốt nhất những gì có thể công việc của mình. Trách nhiệm của các tình nguyện viên là muốn cho tất cả các CĐV trên toàn thế giới tới Nga xem bóng đá cảm thấy họ được thoải mái như ở nhà mình. Nước Nga đẹp, người Nga thân thiện và mến khách. Đó là thông điệp mà những tình nguyện viên như chúng em muốn mang tới cho các du khách", Maria nói.