Thông tin cụ thể về những tấm vé Olympic Paris 2024, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt chia sẻ với báo chí: Thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra là tối thiểu có từ 12 – 15 suất chính thức tham dự Thế vận hội 2024.
Ngoài ra, điền kinh và bơi Việt Nam vẫn đang chờ thêm 2 suất đặc cách tham dự Olympic dành cho những môn, nội dung không có VĐV giành vé chính thức.
Thể thao Việt Nam vẫn còn cơ hội giành thêm vé ở môn judo và bắn cung (nội dung đồng đội nữ) nếu các VĐV tiếp tục thi đấu với phong độ ổn định và đạt được thành tích tốt tại các giải đấu vòng loại cuối cùng trong thời gian tới.
Dự kiến ngày 20/7 đoàn thể thao Việt Nam sẽ nhập làng Olympic tại Paris. Một số VĐV đang tập huấn tại nước ngoài sẽ di chuyển thẳng tới làng VĐV cùng đoàn Thể thao Việt Nam.
Theo đánh giá, con số vé dự Olympic 2024 vẫn thấp hơn khá nhiều so với số VĐV Việt Nam đã có mặt tại các kỳ Olympic gần đây như: Tokyo 2020 (18 vé), Olympic Brazil 2016 (23 vé). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các nhà quản lý, chuyên môn đã phải tính toán rất kỹ lưỡng, sát với tình hình thực tiễn của Thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.
Với những quan tâm về môn thể thao nào có khả năng lớn tranh chấp huy chương tại Thế vận hội lần này, đại diện ngành thể thao Việt Nam cho biết: Hiện, những VĐV đã giành vé đang tích cực chuẩn bị, một số VĐV đã được cử đi tập huấn tại nước ngoài, một số VĐV đang tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Dù tập luyện trong nước hay tập huấn tại nước ngoài thì những VĐV đã giành vé đều được tạo mọi điều kiện và chế độ đãi ngộ tốt nhất theo đúng quy định của nhà nước giúp VĐV có được tâm lý và phong độ cao nhất sẵn sàng bước vào tranh tài tại sân chơi thể thao lớn nhất thế giới.
Với thành tích đã có được, bắn súng và cử tạ là 2 trong số những môn thể thao thế mạnh mà chúng ta hy vọng giành được huy chương tại Thế vận hội này. Tuy nhiên, trước đầu tư mạnh mẽ cho thể thao đỉnh cao của các quốc gia trên thế giới nên VĐV Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương tại Olympic 2024 là điều rất khó khăn.
Ông Ngô Ích Quân - Trưởng phòng thể thao thành tích cao 2 cho biết: Hiện "niềm hy vọng" Trịnh Văn Vinh (cử tạ) đang tập huấn tại Trung Quốc. Chấn thương khớp gối của anh đã gần như bình phục hoàn toàn. Dù vậy khả năng cạnh tranh huy chương của Vinh là không dễ dàng.
Thành tích tốt nhất của Trịnh Văn Vinh mới lập được tại World Cup cử tạ 2024 đang diễn ra ở Thái Lan (tháng 4/2024) là tổng cử 294kg, đứng thứ 9 thế giới trong số các vận động viên, qua đó giành vé Olympic ở hạng 61kg nam. Dù vậy, khả năng cạnh tranh huy chương tại Olympic là khá khó bởi lẽ hiện thế giới có 6 VĐV đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh cũng được kỳ vọng giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024 khi giành quyền thi đấu ở 2 nội dung sở trường là 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn thể thao nữ tại Thế vận hội lần này.
Tính đến ngày 20/6, Thể thao Việt Nam đã có 12 suất tham dự Olympic, gồm các VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing) Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông); Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing); Lê Quốc Phong (bắn cung).
Theo Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: Thể thao thế giới ngày càng phát triển, đơn cử ở môn Cử tạ, tại các sân chơi lớn, các quốc gia tập trung mạnh vào các hạng cân nặng. Đó là điều khó khăn cho thể thao Việt Nam trong bối cảnh thể chất người Việt Nam vẫn thấp bé, cơ sở vật chất, tài chính, con người... còn gặp nhiều khó khăn. Để vươn lên tầm thế giới như ASIAD, Olympic là không dễ và cần rất nhiều yếu tố như: thời gian, trình độ VĐV, trình độ HLV...
Hiện thể thao Việt Nam chỉ có số ít HLV và chuyên gia đạt trình độ ASIAD, Olympic như chuyên gia Park Chung Gun (bắn súng), chuyên gia Park Chae Soon (bắn cung)... Đây là những HLV từng huấn luyện được nhiều VĐV giành HCV ở những đấu trường lớn này.
Để từng bước nâng tầm thể thao đỉnh cao nước nhà, các nhà quản lý, chuyên môn vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những chuyên gia, HLV giỏi phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Ngoài ra, Cục TDTT chỉ đạo tăng cường quản lý thực hiện chế độ, chính sách cho VĐV, HLV các đội tuyển quốc gia. Trong đó, ngành yêu cầu thường xuyên rà soát, xây dựng, hướng dẫn, công khai quy trình, thủ tục, định mức… liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến VĐV, HLV, người lao động như: tiền lương, tiền hỗ trợ, các khoản đóng góp theo lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền thực hiện chế độ dinh dưỡng (mức ăn hàng ngày, thực đơn), thực phẩm chức năng, trang thiết bị cấp phát cho vận động viên, huấn luyện viên mỗi khi được triệu tập theo quyết định…
Các phòng, ban chức năng của đơn vị thường xuyên cũng cần rà soát, kiểm tra nội bộ về triển khai các chế độ, chính sách, các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo cho vận động viên, huấn luyện viên trong quá trình tập luyện, thi đấu; tổng hợp các ý kiến, phản ánh về những tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời giải đáp thắc mắc, trường hợp cần thiết phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.