Trong nhiều thập kỷ, Olympic luôn để lại điều tiếng về sự tốn kém và lãng phí. Đôi khi, cả một sân vận động bị bỏ hoang sau khi được xây dựng để phục vụ sự kiện thể thao kéo dài khoảng 2 tuần này.
Nhưng Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 cam kết sẽ không để tình trạng này xảy ra. Theo đó, một mặt họ chủ trương sử dụng các địa điểm tạm thời để cắt giảm công tác xây dựng, nhưng mặt khác, họ buộc các nhà cung cấp phải nghĩ về "cuộc sống thứ hai" cho các trang thiết bị mà họ cung cấp, từ những bóng tennis cho đến cát sử dụng cho môn bóng chuyền bãi biển.
Giám đốc Phát triển bền vững của Olympic Paris 2024 Georgina Grenon cho biết: "Trước khi chúng tôi đặt hàng bất cứ thứ gì, chúng tôi đã nghĩ về việc sử dụng chúng ra sao khi sự kiện kết thúc".
Cách tiếp cận này khá mới mẻ đối với với một sự kiện thể thao quy mô toàn cầu. Bà Grenon cùng các cộng sự ban đầu đã tìm kiếm những ý tưởng mà họ có thể sao chép từ các giải đấu bóng đá do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức hoặc các kỳ Thế vận hội, sau đó họ tìm ra sáng kiến của riêng mình. Bà Grenon giải thích: "Chúng tôi cũng thuê các chuyên gia tư vấn và không ai có thể cho chúng tôi biết liệu điều này đã từng được thực hiện trước đó hay chưa". Và trong quá trình tìm kiếm, bà Grenon phát hiện ra rằng bà đang có trong tay những chuyên gia về "nền kinh tế tuần hoàn".
Bước đầu tiên, họ lập danh mục mọi thứ cần thiết cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Bà Grenon mô tả: "Điều này giống như bạn đang lên kế hoạch tổ chức một đám cưới. Nếu bạn biết mình có 100 khách, thì bạn cần 10 chiếc bàn, 100 chiếc ghế... Thế vận hội Paris có sự tham gia của 32 môn thể thao khác nhau và khoảng 10 triệu khán giả. Theo đó, chúng tôi đã lập danh sách và danh sách đó lên tới khoảng 6 triệu thứ, 6 triệu đồ vật".
Khi bắt đầu quá trình mua sắm, mỗi lần mời thầu cho Olympic Paris 2024, họ đều đưa vào điều khoản yêu cầu nhà cung cấp đề xuất một "cuộc sống sau Thế vận hội" cho các sản phẩm của mình. Bà Grenon cho biết: "Chúng tôi làm như vậy để họ có thể hiểu rằng chúng tôi không chỉ muốn mua một đồ vật mà cần được cung cấp một mô hình tốt nhất".
Nhiều cơ sở vật chất và các trang thiết bị sau khi được sử dụng cho Olympic Paris sẽ được tái triển khai ngay lập tức cho Paralympic Paris 2024, diễn ra từ ngày 28/8 đến 8/9 tới. Rồi sau đó, chúng được chuyển đến những cơ sở mới.
Cát siêu mịn được sử dụng cho sân bóng chuyền bãi biển trước tháp Eiffel - một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của nước Pháp - được cam kết chuyển tới một câu lạc bộ ở khu vực Paris. Các logo của Paris 2024 cũng sẽ được chà sạch để có thể sử dụng ở nơi khác. Khoảng 600.000 món đồ nội thất văn phòng được thuê từ công ty Lyreco (Pháp) sẽ được công ty này thu lại và dùng làm các mặt hàng "khởi nghiệp" cho một công ty kinh doanh đồ nội thất đã qua sử dụng.
Hơn 14.000 tấm nệm làm từ nhựa tái chế từng dùng trong Làng Olympic sẽ được trao cho quân đội Pháp, trong khi đế cáctông của chúng sẽ được tái chế. Những quả bóng tennis được sử dụng tại sân thi đấu Roland-Garros hay các thiết bị thể thao sẽ được tặng lại cho các câu lạc bộ thể thao tại Pháp.
Theo bà Grenon, Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 đã xác nhận kế hoạch tái sử dụng 90% trong số 6 triệu các món đồ mà họ đã mua sắm cho sự kiện này và đang tiếp tục thảo luận về những món đồ còn lại.
Một phần trong kế hoạch của họ cũng bao gồm việc tạo cơ hội cho người hâm mộ mua đồ lưu niệm, bao gồm cả những lá cờ được sử dụng trong các lễ trao huy chương hoặc những bó đuốc trong các cuộc chạy tiếp sức rước đuốc trước Thế vận hội.
Hai hồ bơi, tường leo núi và công viên trượt ván cũng sẽ được tháo dỡ và hầu hết trong số này được đưa tới vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis nghèo khó ở Đông Bắc Paris.
Bà Grenon tin rằng Olympic Paris 2024 đã đặt ra một dấu mốc mới trong kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi muốn biến Thế vận hội này thành một phòng thí nghiệm và chúng tôi muốn trở thành một chất xúc tác để hướng tới phát triển bền vững".