Trưởng đoàn, ông Trần Đức Phấn, đánh giá Thể thao Việt Nam đã có một kỳ đại hội AIMAG thành công. |
Ông có thể đánh giá tổng quan về tình hình thi đấu của Đoàn TTVN tới thời điểm hiện tại (chiều 24/9)?Tôi có thể nói rằng chúng ta đã có một kỳ AIMAG thành công về mặt thành tích, bởi đã vượt số HCV dự kiến trước khi lên đường.
Với đặc thù riêng, AIMAG là nơi có những môn Olympic nhưng với những nội dung không thi đấu tại Olympic, việc thi đấu ở điều kiện sân trong nhà cũng hết sức khác biệt.
Thứ hai là, nhiều VĐV chủ lực vừa từ SEA Games trở về, phải tiếp tục bước vào thi đấu ở Đại hội này. Tất cả đều đã rất nỗ lực và cố gắng để đạt thành tích cao nhất có thể. Bởi vậy, thành tích đạt 9 HCV, 7 HCB và 16 HCĐ tới lúc này là rất đáng ghi nhận.
Như tôi đã nói, việc cạnh tranh huy chương ở một kỳ Đại hội như thế này là không hề dễ dàng, như HCV của Quang Liêm ở môn cờ vua chẳng hạn, vô cùng gay cấn suốt 3 ngày và phải tới phút chót mới chắc chắn.
Tôi muốn nói thêm rằng không chỉ thành tích giành HCV mà ngay cả 1 số nội dung ở các môn Olympic, dù không giành HCV nhưng HCB hay HCĐ thôi vẫn rất đáng khích lệ. Các VĐV của chúng ta đã phải vượt nhiều khó khăn, trong đó có điều kiện di chuyển dài và thời gian chuẩn bị gấp gáp. Đây cũng là điều mà chúng ta sẽ phải rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ sau.
Có một vấn đề nữa đáng nói là một số cường quốc thể thao ở châu Á không cử lực lượng mạnh nhất tham dự, như Nhật Bản vốn là 1 nước rất mạnh nhưng nay chưa giành HCV nào; như Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng chỉ cử lực lượng VĐV trẻ ở đa số môn, nội dung. Bởi vậy, nhiều nội dung chúng ta thi đấu nhưng lại không đánh giá được thực chất thành tích khi không phải gặp những đối thủ mạnh nhất.
Một đặc tính nữa của Đại hội kỳ này là có quá nhiều những môn, nội dung võ - vật vốn là thế mạnh của các quốc gia vùng Trung Á, số lượng huy chương rất nhiều, dẫn tới sự thiên lệch, mất cân bằng. Chúng ta thấy ở Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan và Việt Nam trong nhóm 10 đoàn dẫn đầu, còn Malaysia, Singapore hay Indonesia đều không đạt thành tích cao…
Như vậy, có thể hiểu rằng TTVN sẽ tính toán lại định hướng tham dự AIMAG các kỳ sau theo hướng cử các VĐV trẻ, thay vì những VĐV xuất sắc nhất?Luôn có 2 mục đích chính khi cử VĐV tham dự Đại hội như thế này: Một là cạnh tranh về thành tích, hai là tạo điều kiện cọ xát cho các VĐV.
Như tôi đã đề cập ở trên, mục tiêu về thành tích tuy có đạt được nhưng cũng không đánh giá được đúng thực chất. Nhiều nội dung không có các đối thủ mạnh thì cũng không thể đạt mục tiêu cọ xát cho các VĐV trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD, SEA Games hay Olympic. Bởi vậy, rõ ràng sẽ cần có những sự tính toán sao cho việc tham dự Đại hội đạt hiệu quả cao nhất về chuyên môn.
Tôi cho rằng, về cơ bản nên ưu tiên cử đối tượng là những VĐV trẻ giỏi nhất ở các môn. Đan xen có thể là những VĐV chủ lực ở một số nội dung, nếu quá trình tham dự và chuyên môn phù hợp với công tác chuẩn bị cho các Đại hội lớn như ASIAD hay Olympic.
Sau AIMAG 5 sẽ là quá trình chuẩn bị cho ASIAD 18 vào năm sau tại Indonesia. Ông có thể nói gì về định hướng và sự chuẩn bị của TTVN?
Trên thực tế, công tác chuẩn bị cho ASIAD 18 đã được tiến hành ngay sau SEA Games 29 vừa qua. Thời gian còn lại không đến 1 năm nữa, nên chúng ta không được phép chậm trễ. Tất cả các bộ môn, Liên đoàn đều đã lên kế hoạch chuẩn bị.
Một mặt, ngành TDTT đã tiến hành rà soát lại toàn bộ danh sách các VĐV trong diện đầu tư trọng điểm, tổng cộng gần 100 VĐV. Một số đội tuyển, VĐV sẽ được cử đi tập huấn nước ngoài sớm để đạt hiệu quả cao nhất về chuyên môn. Không những thế, chúng ta còn phải chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án ứng phó sớm.
Chắc chắn là đoàn TTVN sẽ phấn đấu giành một số tấm HCV tại ASIAD tới, nhưng thử thách đặt ra là sẽ rất khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt nhất và sớm nhất.
Xin cảm ơn ông!