Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với 3 gương mặt tiêu biểu này.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng - người cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam
Cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao lớn luôn là niềm vinh dự cho mỗi VĐV. Đã từng nhận trọng trách này tại Olympic Tokyo 2020, còn lúc này với SEA Games 31 tại Việt Nam, cảm xúc của Huy Hoàng như thế nào?
Tôi cảm thấy rất vui, tự hào khi được chọn để thực hiện vinh dự đó. Được cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam trong Lễ khai mạc SEA Games 31 thật sự đáng nhớ. Nhìn lá Quốc kỳ tung bay kiêu hãnh trong lễ diễu hành trong đêm khai mạc trang trọng như thế sẽ là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ cho tôi.
Tôi đã từng nhận trách nhiệm cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 và đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Cảm xúc tối khai mạc SEA Games 31 vẫn như lần đầu được vinh dự cầm cờ lần trước. Hơn thế, với SEA Games trên sân nhà, mọi thứ còn đặc biệt hơn, xúc động, đáng nhớ hơn.
Mỗi tấm huy chương ở những giải đấu khác nhau đều có giá trị riêng nhưng nếu để được chọn, Huy Hoàng sẽ nhớ về tấm huy chương nào nhất trong bảng thành tích của mình?
Đúng như vậy vì mỗi tấm huy chương đều được đổi bởi những mồ hôi, công sức, nỗ lực của mình. Những với tôi, tấm huy chương vàng 800m bơi tự do nam tại Thế vận hội trẻ 2018 là đáng nhớ nhất.
Năm 2019, tại SEA Games 30 Philippines, anh giành huy chương vàng 1.500m, 400m tự do nam và phá sâu kỷ lục SEA Games ở cả 2 nội dung. Lần này, trên sân nhà, anh đặt ra những mục tiêu thế nào cho thành tích của mình?
Được thi đấu trên sân nhà thật đặc biệt khi nhận được sự ủng hộ, cổ vũ rất lớn của khán giả. SEA Games lần này có ý nghĩa rất lớn với cá nhân tôi. Trước hết, phải làm sao để giữ vững được thành tích đã có tại SEA Games 30. Chính điều này sẽ tạo ra bước đệm, động lực cho những giải đấu lớn hơn như ASIAD.
VĐV điền kinh Quách Thị Lan - người châm đuốc SEA Games 31
Được chọn là người châm đuốc trong Lễ khai mạc SEA GAMES 31, xin hỏi cảm xúc của chị thế nào? Chị có bất ngờ, áp lực khi một ngày được chọn là người châm ngọn đuốc SEA Games?
Thật sự tôi cảm thấy vinh dự, xúc động xen lẫn tự hào khi được chọn là người châm ngọn đuốc thiêng, thắp sáng đài lửa cho SEA Games 31. Trong suy nghĩ, tôi chưa hề nghĩ một ngày được châm ngọn đuốc tại ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
Được chọn làm người châm đuốc trong Lễ khai mạc SEA Games 31, thật sự vinh dự đối với một VĐV. Cuộc đời thi đấu, nỗ lực, cống hiến của mình, của một VĐV thể thao luôn có những kỷ niệm đáng nhớ như thế. Kỷ niệm ngọt ngào đêm khai mạc sẽ theo tôi mãi sau này.
Từng tham dự nhiều giải đấu, đạt nhiều thành tích, với chị giải đấu, thành tích nào đáng nhớ, đọng lại nhất?
Tôi đã từng trải qua nhiều giải đấu, mỗi giải đấu đều có những cảm xúc khác nhau, ấn tượng khác nhau. Cho đến bây giờ, SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong quãng đời VĐV chuyên nghiệp. SEA Games năm đó, kỷ niệm tuyệt vời, niềm vui đáng nhớ nhất khi tôi và đồng đội có được tấm HCV ở nội dung 4x400m hỗn hợp.
Tôi cùng với các đồng đội Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn đã về nhất ở nội dung 4x400m. Năm đó, đội chủ nhà Philippines rất mạnh, khát khao giành HCV ở nội dung này, nhưng đội Việt Nam đã chiến thắng ở cự ly này, giành HCV đồng thời phá kỷ lục SEA Games với thành tích 3 phút 19 giây 50.
SEA Games 31 trên sân nhà, mục tiêu của chị đặt ra cho mình như thế nào? Theo chị điền kinh Việt Nam có đạt thành tích cao không? Và SEA Games 2003, 19 năm trước chị có ký ức gì không?
Tôi tham dự 4 nội dung tại SEA Games 31 gồm 400m, 400m rào, 4x400m, 4x400 hỗn hợp. Tôi cố gắng phấn đấu thật tốt ở các nội dung mình tham dự. Được thi đấu trên sân nhà cảm giác rất thích, được ủng hộ, cổ vũ của người xem. Tôi cũng đặt mục tiêu giành cho mình HCV cá nhân, nỗ lực cố gắng giành thành tích cao nhất cùng với đồng đội. Tôi cũng mong mình đủ sức khỏe, đủ khả năng để chiến đấu hết mình cho các giải đấu tiếp theo.
19 năm trước, lần đầu tiên đất nước được tổ chức SEA Games. Thật tiếc, năm đó tôi còn nhỏ, chỉ mới 8 tuổi nên không xem cũng như không thể cổ vũ cho các VĐV. Bây giờ, SEA Games trở lại Việt Nam và được thi đấu ngay trên sân nhà đấy là một giấc mơ có thực.
Kiếm thủ Vũ Thành An - người đọc lời tuyên thệ
Đã từng vinh dự là người cầm cờ cho Thể thao Việt Nam tại các sự kiện lớn. Lần này, được giao trách nhiệm là người tuyên thệ trong lễ khai mạc, chắc hẳn với Vũ Thành Anh đã hồi hộp lắm?
Tôi từng cầm cờ cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016, Asian Games 2018, SEA Games 2017 và 2019. Mỗi lần cầm cờ cho đoàn thể thao nước nhà ở các kỳ SEA Games luôn là áp lực cực lớn về trách nhiệm lớn của mình. Cầm cờ tại những đại hội thể thao vừa là vinh dự, nhưng cũng không kém căng thẳng. Bởi cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao nước nhà không đơn giản và không để bản thân được sai sót bất cứ điều gì.
SEA Games 31 khi được giao nhiệm vụ đọc lời tuyên thệ, nói thật lúc đầu cũng có phần bất ngờ và lo lắng với nhiệm vụ mới. Mình phải làm sao để hoàn thành nhiệm vụ khi đứng trước 20.000 khán giả, các lãnh đạo, VĐV và bạn bè của thể thao khu vực.
Với Vũ Thành Anh, kỳ SEA Games nào đọng lại nhiều cảm xúc nhất ?
Đó là SEA Games 2015. Năm đó lần đầu tiên tôi giành được HCV. Điều đó như cột mốc để giúp tôi tự tin hơn. Tấm huy chương SEA Games 2015 đã phá cái vết thất bại trước đó. Quan trọng nhất, từ năm đó đã tạo ra sự tự tin hơn cho SEA Games 2017, năm 2019. Tấm HCV SEA Games 2015 giúp tôi giải tỏa hết áp lực đè nén trước đó.
Lần này, với kỳ SEA Games trên sân nhà, mục tiêu của anh thế nào?
Kỳ SEA Games này trên sân nhà tôi sẽ có nguồn động viên rất lớn từ khán giả cùng gia đình, bạn bè. Cũng có thể là cũng là kỳ SEA Games cuối của tôi. Tôi đặt ra mục tiêu sẽ giành 2 HCV cá nhân và đồng đội. Cụ thể đó là nội dung nam cá nhân kiếm chém và nam đồng đội kiếm chém. SEA Games cuối cùng của tôi nên tôi sẽ nỗ lực để có được những thành tích như thế.