Hành trình kéo dài 10 ngày và 3 trận đấu, không một chiến thắng, không một bàn thắng, nhưng đó là những ngày rất đẹp và đầy háo hức của bóng đá nữ Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam, có mặt ở World Cup, lần đầu tiên quốc ca Việt Nam vang lên trên các khán đài World Cup, lần đầu tiên những lá cờ Tổ quốc tung bay trên các sân vận động World Cup.
Hơn một năm về trước, khi đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ 2023, có một niềm vui lớn lao tràn ngập trong lòng người hâm mộ, nhưng ít ai có thể hình dung ra khung cảnh hiện tại. Ít ai tưởng tượng ra cảnh chừng một phút quốc ca Việt Nam được hát trên khán đài hào hùng và xúc động thế nào và những tiếng hô "Việt Nam, Hồ Chí Minh" ra sao.
Khát vọng lớn lao của huấn luyện viên Mai Đức Chung và các cầu thủ nữ Việt Nam là làm một điều kì diệu nào đó trong giải, một bàn thắng, thậm chí 1 điểm. Nhưng cuối cùng, nó đã không tới, dù trên thực tế, họ đã có những cơ hội khá hiếm hoi.
Chỉ cần một trong số đó thành bàn thắng, chỉ cần các cầu thủ có trong chân cơ hội ấy bình tĩnh hơn chút nữa, có cái đầu lạnh hơn chút nữa, lịch sử đã được viết ra. Nhưng không sao cả, nó sẽ được viết ra ở những lần khác. Trong phòng họp báo sau tất cả các trận đấu, các nhà báo quốc tế đều hỏi một câu gần như không đổi với huấn luyện viên Mai Đức Chung: "Đội tuyển nữ Việt Nam học được gì ở World Cup này?". Câu trả lời cũng gần như không đổi về ý, có chăng là trận sau trả lời dài và chi tiết hơn trận trước, cho thấy nhận thức là một quá trình, tích luỹ dần dần sau mỗi lần cọ xát để biết chúng ta là ai và đang ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới. Leo lên Fansipan, vô địch SEA Games, luôn khác với làm được điều gì đó ở World Cup, khó như leo Everest.
Đó là dù đã vô địch SEA Games nhiều lần, nhưng trình độ bóng đá nữ của Việt Nam còn thua xa thế giới. Sự thua kém ấy không phải chỉ nghĩ đến là thấy mà phải nhìn trên sân, trong các trận đấu cụ thể mới rất rõ. Đó là các đối thủ đều vượt trội chúng ta về thể hình và thể lực, chưa nói đến kinh nghiệm.
Đó là việc không thể tự mãn với việc có mặt ở World Cup đầu tiên này mà không phấn đấu thêm nữa. Đây mới chỉ là điểm khởi đầu, và có lẽ, để có được sức vóc như các đội tuyển ở World Cup này, cần rất nhiều thời gian và những thế hệ cầu thủ khác. 4 năm nữa là một World Cup khác, và từ giờ đến đó còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời: Liệu huấn luyện viên Mai Đức Chung có còn tiếp tục dẫn dắt đội tuyển, và nếu ông ra đi sau World Cup này, ai sẽ thay ông, và định hướng bóng đá nữ lúc đó sẽ thế nào?
World Cup này là một cú hích cho cả nền bóng đá, không chỉ bóng đá nữ, nhưng biến tác động tinh thần từ cú hích ấy thành hiện thực như thế nào? Giải vô địch nữ của chúng ta sẽ ra sao, hay vẫn "giản dị" như hiện tại?
Có rất nhiều câu hỏi cần trả lời. Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ về nhà và người hâm mộ vẫn sẽ luôn yêu mến họ. Điều còn lại cuối cùng sau khi chúng ta bừng tỉnh từ giấc mơ, là chúng ta đã ở đó, World Cup, lần đầu tiên.
Thật tự hào biết bao. Trong cuộc trò chuyện thân mật với các phóng viên báo chí trước trận đấu với Hà Lan, khi được hỏi về điều khiến ông cảm thấy hài lòng nhất, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn nói một câu đơn giản "có mặt ở đây không phải với tư cách khách mời". Đúng thế, không phải khách mời với tư cách VIP, bởi ông luôn được mời có mặt xem World Cup, mà là trên cương vị người lãnh đạo một liên đoàn có đội tuyển có mặt lần đầu tiên ở World Cup cùng với 31 đội tuyển khác. Đó là vinh dự của cá nhân ông, nhưng đó cũng là niềm tự hào của biết bao người hâm mộ bóng đá Việt Nam, khi Việt Nam là 1 trong 32 đội mạnh nhất có mặt ở sân chơi thế giới này.
Và tất cả khát khao có những lần tự hào như thế nữa trong tương lai. Để nói "hạnh phúc vì tiếp tục có mặt". Để tiếp tục hát vang quốc ca và vẫy những lá cờ đỏ sao vàng trên khán đài.