Lò sấy, xay xát cà phê 'nhả khói' giữa khu dân cư

Hơn 100 hộ dân ở cụm 7, thôn 10, xã Hòa Thắng và tổ dân phố 4, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đang bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, tiếng ồn do một hộ dân sấy, xay xát cà phê ngay tại khu dân cư. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2018.

Chú thích ảnh
Người dân rất bức xúc về lò sấy tự phát của ông Đặng Văn Phi (cụm 7, thôn 10, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột). 

Anh Phạm Thái Sơn, một hộ dân sống ở cụm 7, thôn 10, xã Hòa Thắng cho biết, cách nhà anh khoảng 30m, hộ gia đình ông Đặng Văn Phi làm nghề xay xát, chế biến nông sản. Những lúc gia đình ông Phi sấy, xay xát cà phê, xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, gia đình anh phải đóng kín cửa.

Trước đây, anh Sơn rất ít khi bị các bệnh về đường hô hấp, nhưng 2 năm nay, vào mùa thu hoạch cà phê, gia đình ông Phi sấy, xay xát cà phê, năm nào, gia đình anh cũng bị bệnh về đường hô hấp.

Gia đình anh Sơn đã phản ánh qua các cuộc họp xóm, xã có về làm việc nhưng không dứt điểm được. Anh Sơn đề nghị, hoạt động sản xuất, chế biến gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân cần phải đặt ngoài khu dân cư.

Tương tự anh Sơn, anh Nguyễn Văn Hiệp, một hộ dân cụm 7, thôn 10, xã Hòa Thắng cho biết, gia đình ông Phi sấy, xay xát cà phê cả ngày, cao điểm vào khoảng 18 - 22 giờ, khói mịt mù bao phủ cả khu dân cư. Theo anh Hiệp, làm kinh tế, làm giàu không ai cấm nhưng đừng để ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khác.

Theo các hộ dân ở đây, vào niên vụ cà phê mỗi năm, gia đình ông Phi sấy, xay xát cà phê trong thời gian khoảng 5 tháng (từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 năm sau). Năm 2018, gia đình ông Phi đốt một lò sấy, các hộ dân đã phản ánh lên xã, ông Phi cam kết hoạt động hết niên vụ cà phê năm 2018 sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2019, hộ ông Phi tiếp tục sấy, xay xát cà phê; đồng thời lắp thêm một lò sấy, một ống khói. Mỗi khi hai lò sấy, hai ống khói vận hành, tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Không khí ngột ngạt khiến các hộ dân càng thêm bức xúc.

Anh Phạm Thanh Bình, một hộ dân cùng cụm 7 cho biết, những khi gia đình ông Phi vận hành 2 lò sấy, tiếng ồn rất lớn, khói bụi mịt mù. Anh Bình cùng nhiều hộ dân khác đã làm đơn phản ánh lên UBND xã và Phòng Tiếp dân của UBND thành phố Buôn Ma Thuột. Xã đã tổ chức cuộc họp, gia hạn cho gia đình ông Phi 7 - 10 ngày để khắc phục. Sau cuộc họp đã 1 tháng nhưng gia đình ông Phi vẫn sấy, xay xát cà phê cả ngày lẫn đêm, gây khói bụi, tiếng ồn làm ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận.

Anh Phùng Văn Nghĩa, Cụm trưởng Cụm dân cư 7, thôn 10, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, cụm dân cư đã phản ánh rất nhiều về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình ông Đặng Văn Phi. Một số hộ dân đã phải bán đất, chuyển đi nơi khác sinh sống vì không chịu được ô nhiễm. Riêng gia đình anh Nghĩa, vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe 2 con nhỏ, tới mùa cà phê, khi gia đình ông Phi xay xát và sấy cà phê, vợ chồng anh phải gửi 2 con lên nhà ngoại ở.

Không chỉ 43 hộ dân cụm 7, thôn 10, xã Hòa Thắng, những khi gió đổi hướng, khoảng 100 hộ dân tổ dân phố 4, phường Tân Hòa cũng bị ảnh hưởng bởi khói. Việc xay xát, sấy cà phê của gia đình ông Phi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của bà con trong khu vực. Vụ việc đã phản ánh lên UBND xã từ năm 2018, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Người dân mong cơ quan chức năng vào cuộc, làm sao di dời lò sấy đi nơi khác để ổn định sức khỏe, cuộc sống.

Chú thích ảnh
Lò sấy tự phát, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột) Nguyễn Thị Loan cho biết, xã đã nhận được đơn phản ánh của các hộ dân và cử cán bộ chuyên môn, công an xã xuống kiểm tra; đồng thời, xã tổ chức cuộc họp giải quyết đơn phản ánh của các hộ dân. Tại cuộc họp, ông Đặng Văn Phi đã hứa khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường bằng cách thay đổi thời gian đốt lò, sấy cà phê vào ban đêm, nâng thêm 5m đối với ống xả khói, quay hướng máy xay cà phê, bọc kín lò sấy.

Bà Nguyễn Thị Loan cho biết thêm: Hiện, trên địa bàn xã Hòa Thắng có hơn 2.000 ha cà phê và nhiều hộ xay xát, chế biến nông sản, tuy nhiên chủ yếu là xây xát, sấy trong rẫy cà phê. Chỉ có trường hợp gia đình ông Phi là xay xát, chế biến nông sản trong khu dân cư. Trong trường hợp người dân tiếp tục phản ánh, vượt thẩm quyền xử lý, xã sẽ đề xuất để UBND thành phố xử lý, đưa cán bộ chuyên môn, dụng cụ, máy móc xuống đo đạc.

Ông Mai Văn Phúc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định: Phòng chưa nhận được thông tin phản ánh chính thức về vụ việc này; phòng sẽ tiếp thu nội dung vụ việc, kiểm tra, xử lý và thông tin lại bằng văn bản.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê và dong riềng
Tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê và dong riềng

Cứ vào mùa thu hoạch cà phê và dong riềng, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, chế biến hai loại nông sản này lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN