Bà Nguyễn Thị Vũ Quỳnh (48 tuổi, ngụ ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá) cho biết, kênh Xa Cách (trước đây là suối Xa Cách), dòng nước rất trong, có nhiều tôm cá, nhưng nhiều năm trở lại đây các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn thường xuyên xả nước thải ra kênh khiến tôm cá gần như không còn; nước thường xuyên chuyển thành màu đen đặc như nhớt. Nhiều đoạn kênh, nước đóng thành mảng dày màu trắng đục, kèm theo nhiều bọt trắng, bốc mùi hôi thối nồng nặc; gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình. Cũng theo bà Quỳnh, nguồn nước từ giếng khoan của gia đình hiện nay có dấu hiệu ô nhiễm, nước bơm lên từ giếng khoan có mùi hôi, tanh… Do không thể sử dụng để uống và nấu ăn như trước đây, gia đình phải mua nước đóng chai để sử dụng.
Có nhà gần với kênh Xa Cách, ông Dương Văn Nờ (75 tuổi, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá) cho biết, trước đây không có các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hoạt động trên địa bàn xã, nước tại kênh Xa Cách rất trong, có nhiều tôm cá. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp thường xuyên xả nước thải, nhất là vào lúc trời mưa, khiến cho nguồn nước trên tuyến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vào thời điểm có gió, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong xóm, ấp. Dòng nước ô nhiễm trên kênh Xa Cách còn dẫn thẳng ra kênh Tây, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi, tưới tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ông Lê Quang Minh (55 tuổi, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá) cho biết, tình trạng ô nhiễm tại kênh Xa Cách đã diễn ra thời gian dài; nước thường xuyên chuyển sang màu đen, đục, trên mặt nước xuất hiện nhiều bọt khí và lớp màng màu trắng, bốc mùi hôi thối nồng nặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trẻ em tại ấp Phước Bình 1 thường xuyên mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Ông Minh kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, ban, ngành liên quan sớm vào cuộc giải quyết tình trạng này; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn xử lý nước thải theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường, không gây ô nhiễm để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên trong ngày 5 và 6/3, mương thoát nước dọc theo đường DT781 dài khoảng khoảng 1,5 km, thuộc địa phận xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, phía trước Doanh nghiệp tư nhân lò mì Tư Bông và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thiên Lộc (chuyên sản xuất bột sắn), nước có màu đen, đục, có nhiều bọt khí, bốc mùi hôi thối, đổ trực tiếp vào kênh Xa Cách. Cạnh Công ty Trách nhiệm hữu hạn nông sản quốc tế Hiệp Phát, có 2 cống bằng bê tông, rộng khoảng 20 cm, xả nước thải màu đen đục vào kênh Xa Cách, bã sắn tươi chưa qua xử lý chất thành nhiều đống cao từ 2 đến 4 mét, rỉ nước có bọt trắng, bốc mùi hôi thối cạnh đường DT781.
Tại kênh Xa Cách, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen đặc, có màng đục màu trắng, vàng, xám đóng thành mảng dày trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc kéo dài khoảng 5 km. Ghi nhận ngày 6/3, xe cơ giới của Công ty Trách nhiệm hữu hạn nông sản quốc tế Hiệp Phát múc nước thải từ bể chứa (không có chống thấm), đổ ra đất nông nghiệp phía sau nhà máy.
Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thị Huế Nhung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Suối Đá cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây người dân trên địa bàn xã thường xuyên phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh Xa Cách. Sau khi ghi nhận phản ánh của người dân, Ủy ban nhân dân xã đã lập Đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại kênh Xa Cách. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện cống xả thải tại một số doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn, xả nước thải có màu đen, có bọt màu trắng đục, bốc mùi hôi thối. Ủy ban nhân dân xã đã lập báo cáo gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Dương Minh Châu để xử lý theo thẩm quyền.
Bà Hà Thị Huế Nhung cũng cho biết, trước đó ngày 23/1/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt đối với Doanh nghiệp tư nhân lò mì Tư Bông 175 triệu đồng về các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngày 22/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh lập Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn nông sản quốc tế Hiệp Phát. Tại thời điểm thanh tra, nhà máy thuộc Công ty hoạt động với công suất trung bình 50 tấn tinh bột sắn/ngày. Kết quả thanh tra phát hiện Công ty xả nước thải chứa các thông số như: Tổng Nitơ vượt 1,54 lần, Coliform vượt 15,33 lần, so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chế biến tinh bột sắn… Công ty chậm kê khai nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định; chưa lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục, có báo cáo hoạt động xả thải nhưng chưa đầy đủ theo quy định…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Suối Đá kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương, cũng như yêu cầu các công ty hoạt động sản xuất trên địa bàn xã nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.