Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, tỉnh đã thực hiện tái định cư xen ghép và tái định cư liền kề được 282 hộ. Tuy nhiên, vẫn còn 2.564 hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất mà chưa được bố trí được nơi tái định cư mới, chủ yếu tại 11 huyện miền núi. Các hộ dân này không có đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới, họ mong chính quyền sớm có phương án di dời đến nơi tái định cư mới để ổn định cuộc sống.
Tại huyện miền núi Quan Hóa, đang có nhiều hộ dân sống trong vùng nguy cơ có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Những hộ dân này đa số không có đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới và luôn sống trong tâm trạng bất an khi mùa mưa bão về. Người dân mong chính quyền sớm có phương án di dời đến nơi tái định cư mới để phát triển sản xuất.
Anh Hà Bá Phúc, bản Vui, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho biết: Gia đình sống ở bản Vui đã lâu, đây là khu vực có nguy cơ sạt lở đất mỗi khi xảy ra mưa bão. Biết là nguy hiểm, nhưng gia đình không thể di dời vì không có kinh phí làm nhà mới, mong các cấp trên hỗ trợ gia đình di dời đến nơi ở mới.
Là người sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, chị Hà Thị Bích, bản Vui, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho hay, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống rất khó khăn, thời gian qua, dù UBND xã Phú Xuân đã có phương án di dời gia đình đến nơi ở mới, thế nhưng do không có kinh phí di chuyển nên gia đình vẫn sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở này. Thời gian tới, đề nghị UBND xã Phú Xuân sớm hỗ trợ kinh phí để người dân làm nhà mới ở khu vực an toàn.
Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Quan Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện Quan Hóa đang có nhiều hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thời gian tới, huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ các hộ dân di dời, với các hộ dân thuộc đề án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh, huyện sẽ đưa vào các khu tái định cư xen ghép và tập trung, đối với các hộ dân ảnh hưởng thiên tai phải tự di dời; đồng thời, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cùng các UBND các xã tìm quỹ đất để các hộ di dời đến nơi ở mới an toàn.
Bên cạnh đó, để bảo vệ con người và tài sản, ngoài việc chủ động phòng tránh thiên tai khi mùa mưa bão về, huyện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để di dân khỏi vùng sạt lở, qua đó giúp các hộ dân ổn định đời sống.
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng do thiên tai, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn, đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tổng số hộ cần di chuyển đến nơi ở mới an toàn là 2.846 hộ; trong đó, tái định cư xen ghép 1.122 hộ, tái định cư tập trung và tái định cư liền kề là 1.724 hộ tại 51 khu tái định cư.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tái định cư xen ghép, tái định cư liền kề được 282 hộ, xây dựng được 4 dự án tái định cư tập trung để sắp xếp cho 151 hộ dân tái định cư theo hình thức khẩn cấp. Ngoài ra, tỉnh đã có 17 khu tái định cư tại các huyện miền núi đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện quy trình tiếp theo để thực hiện ổn định đời sống cho 556 hộ dân; và 18 khu tái định cư đang được rà soát lại số hộ, địa điểm tái định cư cho phù hợp, tuy nhiên, đến nay chưa trình được chủ trương đầu tư.
Theo ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngoài nguồn vốn đề án, UBND các huyện cũng đã lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp các hộ di dời, các hộ dân khi đã được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, đã vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Mặc dù, đã có nhiều kết quả thuận lợi, thế nhưng trong quá trình thực hiện đề án đến nay còn nhiều khó khăn, bất cập với 2.564 hộ chưa được bố trí, sắp xếp, trong khi đó tiến độ đề án vẫn chậm so với quyết định được UBND tỉnh phê duyệt.
Thời gian tới, để hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi tái định cư an toàn, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với UBND các huyện miền núi thực hiện việc rà soát từng khu vực có thể di duyển đến và hoàn thiện, bổ sung hồ sơ điều chỉnh đề án, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh để sắp sếp lại dân cư, ổn định cuộc sống người dân vùng nguy cơ sạt lở.