Trang công cụ này cho phép người dân trình báo các trường hợp buôn bán thịt chó và mèo, bao gồm hành vi trộm cắp, vận chuyển, buôn bán và các hoạt động liên quan khác – phần lớn trong số đó vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trang công cụ báo cáo hoạt động buôn bán thịt chó và mèo là một hệ thống dựa trên nền tảng web cho phép người dân thông báo các hành vi buôn bán thịt chó và mèo tới FOUR PAWS. Tất cả các báo cáo đều được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của FOUR PAWS và thông tin người gửi hoàn toàn được bảo mật. Công cụ này hoạt động như một trung tâm lưu trữ thông tin nhằm giúp FOUR PAWS nắm bắt và hiểu được hoạt động buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào.
Hằng quý, các báo cáo tổng kết sẽ được gửi tới chính quyền địa phương và Chính phủ, bao gồm các báo cáo về những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam như trộm cắp, vận chuyển, buôn bán, và các hoạt động liên quan khác. Công cụ báo cáo cũng cho phép người dân đăng tải ảnh và video về các sự việc đã chứng kiến. Trong số 6 hoạt động được phân loại liên quan đến việc buôn bán thịt chó và mèo, thì trộm cắp vật nuôi, buôn bán thịt tại các nhà hàng và đánh bả chó là 3 hành vi được báo cáo nhiều nhất, đồng thời thể hiện mối liên quan chặt chẽ với nhau. Đáng nói, vấn nạn đầu độc chó và mèo qua việc đánh bả chính là mối đe dọa trực tiếp đến con người, đặc biệt là trẻ nhỏ (đã từng có trường hợp ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn nhầm bả chó).
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, đã có hơn 150 báo cáo được gửi đến trang công cụ, vượt ngoài mong đợi của FOUR PAWS. Đặc biệt, có nhiều ý kiến yêu cầu mở rộng phạm vi báo cáo của trang công cụ ra toàn quốc.
Bà Phan Thanh Dung - Chuyên viên tư vấn chiến dịch tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: “Mặc dù trang công cụ hiện chỉ cho phép công chúng lựa chọn một trong hai khu vực báo cáo là Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng chúng tôi đã nhận được một số lượng đáng kể báo cáo ở các tỉnh thành khác. Điều này cho thấy sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với trang công cụ, cũng như mong muốn chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam.
Đặc biệt, nếu việc buôn bán vẫn tiếp diễn, nạn trộm cắp vật nuôi sẽ không bao giờ dừng lại, và hàng nghìn gia đình nuôi thú cưng vẫn sẽ sống trong nơm nớp lo sợ một ngày nào đó họ có thể vĩnh viễn mất đi người bạn yêu quý của mình vào tay bọn trộm. Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ sớm có biện pháp xử lý thích đáng để ngăn chặn vấn nạn này.”
Trước đó, tháng 12/2021, UBND TP Hội An, Quảng Nam đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức FOUR PAWS cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo trên địa bàn. Việc ký thỏa thuận giữa TP Hội An và FOUR PAWS nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn dịch bệnh bùng phát. TP Hội An là địa phương đầu tiên của Việt Nam cam kết chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Tháng 10/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại từ tổ chức FOUR PAWS nhằm tài trợ cho dự án Xây dựng Hội An trở thành thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại.
Thông qua trang công cụ báo cáo, FOUR PAWS sẽ tổng hợp và xác thực dữ liệu, đồng thời thực hiện biên soạn báo cáo tổng hợp để gửi tới chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam, cũng như các cơ quan Chính phủ để chứng minh cho nguy cơ của vấn nạn buôn bán thịt chó và mèo, qua đó đề xuất hướng giải quyết tình trạng này.
Bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng bộ phận Chiến dịch Động vật Đồng hành Đông Nam Á của FOUR PAWS International, cho biết: “Công cụ báo cáo được ra đời để phục vụ nhiều mục đích – nó cho phép chúng tôi và Chính phủ hiểu được hoạt động buôn bán, cho phép cộng đồng báo cáo các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trộm cắp thú cưng và đề xuất các hành động để giải quyết vấn đề này.
Quan trọng hơn, nó cho phép mọi người cùng tham gia vào cuộc chiến chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo. Có đến 91% người dân Việt Nam phản đối việc buôn bán thịt chó mèo và ủng hộ lệnh cấm. FOUR PAWS sẵn sàng hợp tác với Chính phủ và người dân Việt Nam để chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo thông qua việc mở rộng trang công cụ ra toàn quốc từ chương trình thí điểm hiện tại”.